Thái Bình: Thu hút nguồn vốn đầu tư “sạch” vào khu kinh tế, khu công nghiệp
Thái Bình đang tập trung xây dựng khu kinh tế và các khu công nghiệp theo hướng xanh, thông minh, nhằm thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.
>>>Hội nghị giao thương và xúc tiến đầu tư – Khu công nghiệp Hải Long, Khu kinh tế Thái Bình tại Trung Quốc
>>>Thái Bình: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp
Tăng chất và lượng
Trong những năm qua, tỉnh Thái Bình có thay đổi mạnh mẽ, từ một tỉnh nông nghiệp với nền sản xuất nông nghiệp chuyên canh cây lúa, đến nay, địa phương này đã vươn lên, ghi tên trên “bản đồ” thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Từ khu công nghiệp đầu tiên được thành lập cuối năm 2002, sau hơn 20 năm bức tranh tổng thể các khu công nghiệp đã có sự thay đổi vượt bậc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 1 khu kinh tế, 10 khu công nghiệp và 49 cụm công nghiệp đã được thành lập.
Đặc biệt, năm 2017 Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu kinh tế Thái Bình với tổng diện tích tự nhiên 30.583ha đã tạo động lực cho tỉnh Thái Bình phát triển hướng biển. Từ khi thành lập, khu kinh tế đã thu hút được 3 dự án hạ tầng khu công nghiệp, bao gồm: Dự án hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái, dự án hạ tầng khu công nghiệp Hải Long, dự án hạ tầng khu công nghiệp VSIP Thái Bình. Việc thành lập khu kinh tế Thái Bình đã mang lại cho Thái Bình một diện mạo mới, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Bình theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nguồn thu ngân sách địa phương.
Một minh chứng rõ ràng, năm 2003, toàn tỉnh Thái Bình chỉ có 26 dự án đầu tư vào khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký 483,5 tỷ đồng, trong đó có 1 dự án FDI. Sau 20 năm, vốn đầu tư FDI tăng gấp nhiều lần so với trước đây, góp phần đưa Thái Bình có thứ hạng cao so với các tỉnh, thành phố trong khu vực về thu hút FDI từ năm 2021 trở lại đây. Chỉ tính trọng 6 tháng năm 2024, thu hút vốn đầu tư của tỉnh Thái Bình đạt trên 7.700 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt trên 232 triệu USD, gấp 5,7 lần cùng kỳ năm 2023.
Đại diện Cục thống kê tỉnh Thái Bình cho biết, trong tháng 6/2024, toàn tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký 85,6 triệu USD. Tính chung 6 tháng năm 2024, toàn tỉnh Thái Bình có 16 dự án đầu tư FDI được cấp phép mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 173,4 triệu USD.
Ngoài tăng về số lượng dự án, tổng vốn đầu tư, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp cũng có những bước nhảy vọt. Tính đến hết năm 2023, các dự án trong khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã giải quyết việc làm cho 76.620 lao động, góp phần quan trọng nâng cao mức sống của người dân và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030 Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng, có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Đặc biệt, để tiếp tục bứt phá trong thu hút đầu tư, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023), 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đề ra là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình, thay vì thu hút ồ ạt các dự án, tỉnh Thái Bình chuyển từ “lượng” sang “chất” theo định hướng thu hút vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững, có chiều sâu. Đồng thời, địa phương cũng tập trung thu hút các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng mà tỉnh có lợi thế như: công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, hóa chất, chế biến, chế tạo, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, điện khí, điện gió và điện tử theo đúng quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Được biết, khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình hiện đang được xây dựng theo hướng xanh, thông minh, nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư “sạch”, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh, tạo động lực cho phát triển bền vững.
Theo Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư mới có quy mô lớn, giá trị công nghệ cao. Qua đó, từng bước thay đổi mục tiêu từ thu hút các dự án đầu tư lắp ráp, gia công, sử dụng nhiều lao động đến thu hút các dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao, đóng góp nhiều vào nguồn thu thuế, được định hướng, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, đảm bảo môi trường và an sinh xã hội tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Kiểm – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hạ tầng khu công nghiệp Bảo Minh, chủ đầu tư khu công nghiệp Hải Long cho biết, phía công ty nhận thức rõ trách nhiệm xã hội đặc biệt là về vấn đề môi trường. Vì vậy, ngay từ khi đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, thu hút và kêu gọi các nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy để sản xuất trong khu công nghiệp, phía công ty đã xây dựng bộ tiêu chí, tuân thủ nguyên tắc đặt công tác bảo vệ môi trường lên hàng đầu, là nhiệm vụ sống còn của khu công nghiệp. Ngoài ra, công ty cũng xác định, để lan tỏa tinh thần, trách nhiệm bảo vệ môi trường, bản thân công ty phải là doanh nghiệp kiểu mẫu ở mảng này. Như vậy mới khiến cho các khách thuê tin tưởng, đồng hành thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Hội nghị giao thương và xúc tiến đầu tư – Khu công nghiệp Hải Long, Khu kinh tế Thái Bình tại Trung Quốc
16:15, 22/07/2024
Thái Bình: Đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
00:06, 28/07/2024
Thái Bình: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp
00:19, 21/07/2024