Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần thêm “cú hích”
Để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn, nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bên cạnh việc thúc đẩy tăng cường liên kết, cần phải hoàn thiện khung pháp lý.
>>Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp hỗ trợ
Dư địa của ngành công nghiệp hỗ trợ còn rất lớn, vấn đề đặt ra là cần khơi thông các chính sách để thu hút đầu tư về nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế.
Bởi, công nghiệp hỗ trợ không chỉ là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, mà còn là bệ đỡ cho sự phát triển sản xuất công nghiệp, là nền tảng, cơ sở để sản xuất công nghiệp phát triển mạnh hơn. Chất lượng sản phẩm đầu ra cuối cùng của các sản phẩm công nghiệp phụ thuộc vào chất lượng của các sản phẩm chi tiết, linh kiện được sản xuất từ ngành công nghiệp hỗ trợ.
Trong những năm qua, mặc dù các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã được ban hành khá đầy đủ nhưng khi áp dụng vào thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Chưa kể, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, Thông tư, trong khi công nghiệp hỗ trợ là một lĩnh vực quan trọng, cần một hành lang pháp lý đủ tốt để phát triển.
Vì vậy, để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn, nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian tới, bên cạnh việc thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như: dệt may, da giày, điện tử… cần sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng, tạo động lực phát triển công nghiệp, đặc biệt là Luật Công nghiệp trọng điểm, bởi khi luật được ban hành sẽ giúp ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ có được một hệ thống pháp lý vững chắc hơn để xây dựng các văn bản dưới luật phù hợp.
Đặc biệt, trong khi chờ các chính sách được luật hóa, Chính phủ cũng cần sớm xây dựng và ban hành một Nghị quyết về chính sách thí điểm cho doanh nghiệp trong ngành. Cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực của đất nước và cạnh tranh không cần thiết. Phải làm rõ vùng nào sản xuất linh kiện cho ngành gì như: ô tô, điện tử, công nghiệp đóng tàu, nông ngư nghiệp, da giày, dệt may... hỗ trợ đào tạo lao động chất lượng cao, hỗ trợ công nghệ khi nhập khẩu các thiết bị cũ đã qua sử dụng nhưng phù hợp với chuẩn mực quốc tế và Việt Nam, trực tiếp dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sản xuất; kết nối các tập đoàn lớn quốc tế đang có mặt tại Việt Nam với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ…
Đồng thời, cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn (lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế chấp...), vì theo các quy định về điều kiện vay vốn (tài sản bảo đảm tiền vay, vốn đối ứng của chủ đầu tư, lãi suất vay, thời gian vay...) vẫn còn trở ngại đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Việc xây dựng và hoàn thiện chính sách như đã nêu không chỉ khắc phục sự thiếu tính chiến lược, kế hoạch trong định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua, mà còn làm căn cứ bảo đảm tính khả thi trong việc bố trí các nguồn lực cho lĩnh vực này phát triển.
Có thể bạn quan tâm
- Công nghiệp hỗ trợ ô tô đứng trước cơ hội lớn
00:30, 27/06/2024 - Bình Phước thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ
15:06, 15/06/2024 - Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp hỗ trợ
04:00, 10/06/2024 - Đồng bộ chính sách để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
09:27, 05/06/2024 - Khơi nguồn lực cho công nghiệp hỗ trợ
15:43, 21/05/2024 - Nâng tầm về chất để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
03:50, 16/05/2024