Đắk Nông: Giải pháp tăng điểm, tăng nhóm PAPI năm 2024
Trước việc nằm trong nhóm Thấp các tỉnh, thành về Chỉ số PAPI năm 2023, tỉnh Đắk Nông đã “mổ xẻ” đánh giá những tồn tại, hạn chế để từ đó có những giải pháp tăng điểm, tăng nhóm PAPI năm 2024...
Theo báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023 do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố ngày 02/4 tại Hà Nội. Chỉ số PAPI năm 2023 của Đắk Nông đạt 38,97 điểm (năm 2022 đạt 40,52 điểm), nằm trong nhóm Thấp so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
“Chỉ tên” hạn chế
Theo ông Lê Trung Trường Vũ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông cho biết, Chỉ số PAPI được khảo sát, đánh giá trên 08 chỉ số nội dung gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.
“Các Chỉ số này không đánh giá về thứ hạng xếp hạng giữa các tỉnh, thành và được chia theo 4 nhóm: Cao, Trung bình cao, Trung bình thấp và Thấp” ông Vũ thông tin.
Qua kết quả phân tích, báo cáo khảo sát 8 Chỉ số PAPI tỉnh Đắk Nông năm 2023, có 2/8 Chỉ số nội dung nằm trong nhóm Trung bình thấp là: Chỉ số “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” đạt 4,6512/10 điểm và Chỉ số “Thủ tục hành chính công” đạt 7,0977/10 điểm.
Bên cạnh đó, có 6/8 Chỉ số nằm trong nhóm Thấp gồm: Chỉ số “Công khai, minh bạch” đạt 4,3093/10 điểm; Chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân” đạt 4,0599/10 điểm; Chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt 5,9589/10 điểm; Chỉ số “Cung ứng dịch vụ công” đạt 6,8387/10 điểm; Chỉ số “Quản trị môi trường” đạt 3,1457/10 điểm và Chỉ số “Quản trị điện tử” đạt 2,9099/10 điểm.
Đối với 2/8 Chỉ số nội dung thuộc nhóm Trung bình thấp bởi, việc giải quyết TTHC vẫn còn nhiêu khê, nhất là thủ tục cấp GCNQSDĐ; giải quyết, trả trả kết quả GCNQSDĐ trễ hạn là vấn đề nổi cộm, hơn nữa phải đi qua nhiều cửa, gặp nhiều người mới giải quyết xong TTHC.
Điều đáng nói là, đa số người dân tại cơ sở cho biết họ chưa biết đến những văn bản quan trọng như: Luật Tiếp cận thông tin, Luật Phòng chống tham nhũng; hiệu quả huy động sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định và giám sát việc thực hiện các dự án công trình công cộng ở cấp xã chưa cao; người dân cho rằng họ chưa được tham gia đầy đủ ý kiến cho việc xây mới, tu sửa công trình công cộng ở nơi họ sinh sống…
Còn với 6/8 Chỉ số nội dung thì đa số người dân được hỏi cho rằng mức độ tin tưởng của người dân vào việc lập danh sách hộ nghèo; công khai thông tin về thu, chi ngân sách ở cấp xã chưa tốt; việc tiếp cận thông tin đất đai, bảng giá đất của người dân vẫn còn rất hạn chế; người dân cho rằng giá bồi thường thu hồi đất thấp hơn so với giá giao dịch trên thị trường.
Họ chưa thật sự hài lòng với kết quả nhận được khi gửi đề xuất, khuyến nghị, tố giác tới chính quyền cấp xã; các cơ chế giải quyết tranh chấp dân sự phi Tòa án cũng chưa được người dân tin tưởng. Song song đó, khi có khúc mắc, người dân có xu hướng tìm tới cán bộ, công chức UBND cấp xã hơn đại biểu dân cử của họ ở HĐND cấp xã.
Thực tế, người dân cho rằng hiện trạng ‘chung chi’ để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến; có mối quan hệ thân quen vẫn rất quan trọng khi muốn xin vào các bộ phận chuyên môn của cơ quan hành chính nhà nước ở cấp xã; tỉ lệ người làm TTHC cấp GCNQSDĐ đã phải chi ‘lót tay’ vẫn phổ biến; tỉ lệ người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Trung tâm y tế công tuyến huyện cho biết họ đã phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn...
Mặt khác, người dân vẫn phàn nàn về việc phải dùng chung giường bệnh, nhà vệ sinh không sạch sẽ ở Trung tâm y tế tuyến huyện; có hiện tượng nhân viên y tế gợi ý bệnh nhân đến nhà thuốc tư nhân để mua thuốc; vẫn còn tình trạng phụ huynh của học sinh cho rằng giáo viên ưu ái học sinh khi tham gia các lớp học thêm, cơ sơ vật chất phục vụ cho giáo dục tiểu học công lập chưa tốt; đường sá còn nhiều đường đất và đường trải sỏi, đá; tình hình mất an ninh, trật tự vẫn còn xảy ra tại khu dân cư…
“Đồng thời, thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện các yêu cầu bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương và chất lượng nguồn nước sinh hoạt chưa đảm bảo. Chưa nắm rõ về sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công; việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ internet của người dân tại cơ sở còn hạn chế; thông tin chỉ dẫn và biểu mẫu cần thực hiện từ Cổng thông tin điện tử tỉnh; Trang thông tin điện tử cấp huyện khi làm chứng thực, xác nhận, cấp Giấy phép xây dựng, cấp GCNQSDĐ chưa đầy đủ, khó thực hiện” ông Vũ dẫn chứng.
Hoá giải thách thức - tăng điểm số, tăng nhóm PAPI
Từ kết quả phân tích cho thấy Chỉ số PAPI năm 2023 của tỉnh, bà nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông cho rằng, để cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI trong năm 2024 và những năm tiếp theo Sở Nội vụ đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp từng chỉ tiêu cụ thể.
Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 474/KH-UBND ngày 18/7 về “Cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh Đắk Nông năm 2024”, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cấp cơ sở; kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế năm 2023 và cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh năm 2024.
Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và nhận thức, ý thức của từng cán bộ, công chức, viên chứccũng như xác định nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là cấp cơ sở. Qua đó, góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, hiệu lực hiệu quả, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật.
“Phấn đấu Chỉ số PAPI năm 2024 của tỉnh tăng điểm số, tăng Nhóm so với năm 2023” bà Hường cho hay.
Cũng theo bà Hường, Kế hoạch cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân nhận thức đầy đủ, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ số PAPI.
Quán triệt, triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI năm 2024. Thực hiện đồng bộ, thống nhất với các chỉ đạo, định hướng chung của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công.
“Điều đáng nói là Kế hoạch được cụ thể hóa, triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp chính quyền; tập trung trọng điểm tại UBND các xã, phường, thị trấn” bà Hường chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, căn cứ Kế hoạch 474, các cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ chủ động triển khai thực hiện những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành, địa phương; chủ động thực hiện và tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại Phụ lục kèm theo của Kế hoạch 474. Định kỳ ngày 20 hằng quý, 6 tháng và năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ).
Các sở ban ngành, huyện, thành phố cũng tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cải thiện Chỉ số PAPI của tỉnh; đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, chủ động ngăn ngừa các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo hướng đi vào thực chất, đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng cơ quan đơn vị, thay đổi phong cách, lề lối làm việc, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.
“Giải trình và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả khảo sát của PAPI tại cơ quan, đơn vị, địa phương” ông Chiến nêu rõ.
Ngoài ra, các sở ban ngành, cấp huyện, cấp xã chủ động triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở cơ sở; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công những quy định của pháp luật liên quan đến việc cung ứng dịch vụ công trong cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao nhận thức, chất lượng phục vụ Nhân dân... Đồng thời, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn đối với UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các đơn vị theo ngành dọc tại cấp huyện, cấp xã.
“Giám đốc Sở Nội vụ làm đầu mối, chủ trì tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai Kế hoạch 474; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện, đề xuất UBND chỉ đạo xử lý kịp thời...Tổ chức kiểm tra việc triển khai, thực hiện cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI năm 2024 tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức về Chỉ số PAPI cho cán bộ, công chức, viên chức” ông Chiến yêu cầu.
Có thể bạn quan tâm
Đắk Nông “soi” hạn chế, nâng cao Chỉ số PAR INDEX, SIPAS năm 2024
13:56, 25/07/2024
Đắk Nông lấy sự hài lòng, niềm tin của người dân làm thước đo
13:55, 15/07/2024
Đắk Nông "tuyên chiến" với nạn sản xuất, buôn bán hàng giả
00:06, 05/07/2024
Đắk Nông: Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư
16:27, 27/06/2024
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông: “Cầu nối” chính quyền - doanh nghiệp
16:22, 27/06/2024