Cơ hội cho các doanh nghiệp mỹ phẩm
Các doanh nghiệp nội trong lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc cá nhân có thể sẽ có nhiều cơ hội khi xu hướng mới đang được tạo ra.
>>Vì sao doanh nghiệp mỹ phẩm ngoại "né" thị trường Trung Quốc?
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Statista, Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có tốc độ gia tăng mức thu nhập trung bình cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thị trường màu mỡ
Theo đó, thu nhập khả dụng ngày càng tăng cùng với sự trỗi dậy của thương mại điện tử đã kéo theo nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng càng cao, đặc biệt là mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc, làm đẹp cá nhân.
Cũng theo Statista, doanh thu của thị trường làm đẹp và chăm sóc cá nhân tại Việt Nam ước đạt 2,66 tỷ USD vào năm 2024, với mức tăng trưởng kép hàng năm (CARG) là 2,97% trong khoảng thời gian từ 2024 - 2028. Trong đó, phân khúc chăm sóc cá nhân là lĩnh vực chiếm thị phần lớn nhất, có giá trị ước tính khoảng 1,17 tỷ USD, tương đương khoảng 43% tổng thị phần của thị trường.
Chuyên gia cho rằng đây là một thị trường hết sức màu mỡ. Tuy nhiên, thị trường này lại bị thống trị bởi các thương hiệu làm đẹp và chăm sóc cá nhân quốc tế, đặc biệt là các thương hiệu của Hàn Quốc. Các thương hiệu này được cho là “không đối thủ” khi trở thành trào lưu được ưa chuộng bậc nhất tại Việt Nam, thậm chí vượt mặt sản phẩm của các quốc gia khác trên thế giới.
Các sản phẩm của Hàn Quốc luôn chiếm ưu thế trên thị trường là kết quả của việc xây dựng thương hiệu và danh tiếng toàn cầu trong sản xuất mỹ phẩm chất lượng cao. Họ đã khẳng định vị thế của mình khi không chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm mà còn áp dụng các chiến lược tiếp thị hiệu quả, đặc biệt là việc lựa chọn các ngôi sao nổi tiếng làm đại sứ thương hiệu.
Tuy nhiên, cũng theo Statista, bên cạnh sự thống trị của các thương hiệu quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc, thị trường mỹ phẩm Việt Nam cũng đang ghi nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ của các thương hiệu nội địa. Đồng thời, các thương hiệu Việt Nam cũng từng bước khẳng định vị thế của mình bằng cách cung cấp các sản phẩm chất lượng cao với giá cả phải chăng, đặc biệt là nguyên liệu hữu cơ có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Một thống kê cho thấy, hiện có khoảng 137.000 doanh nghiệp Việt đang kinh doanh trong lĩnh vực này. Mặc dù, chỉ chiếm khoảng 10% thị phần, song, thị phần của các doanh nghiệp mỹ phẩm nội địa cũng đang tăng trưởng nhờ một xu hướng mới và sự thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng trong nước.
Sự thay đổi thói quen tiêu dùng
Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng chú trọng đến thành phần của sản phẩm làm đẹp hơn bao giờ hết, họ luôn đề cao các sản phẩm được chứng nhận là an toàn và có nguồn gốc tự nhiên. Điều này đã thúc đẩy các doanh nghiệp buộc phải đổi mới cách thức sản xuất và tiếp thị sản phẩm của họ.
Bên cạnh đó, một xu hướng tiêu dùng nổi bật khác là sự quan tâm đến tác động môi trường của các sản phẩm mỹ phẩm. Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm xanh, có bao bì tái chế và được sản xuất thông qua các quy trình rõ ràng, nghiêm ngặt đảm bảo chất lượng.
Hiện nay, nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang hướng đến lối sống xanh và bền vững, ưu tiên chọn lựa các sản phẩm làm đẹp thân thiện với môi trường. Điều này thể hiện rõ trong sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu đối với các sản phẩm làm đẹp tự nhiên và hữu cơ trên thị trường. Thị trường mỹ phẩm Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều thương hiệu mới cùng các dòng sản phẩm đổi mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu trong việc sử dụng nguyên liệu sạch và công nghệ sản xuất tiên tiến để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Ngoài ra, sự phát triển của thương mại điện tử cũng góp phần quan trọng trong việc lan tỏa xu hướng làm đẹp tự nhiên và hữu cơ tại Việt Nam. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm, so sánh và mua sắm các sản phẩm này qua các nền tảng trực tuyến, giúp cho thị trường mỹ phẩm tự nhiên và hữu cơ ngày càng phát triển rộng khắp.
Những yếu tố này cùng nhau tạo nên một xu hướng mới trong ngành công nghiệp mỹ phẩm Việt Nam, với mục tiêu phát triển các sản phẩm chăm sóc cá nhân chất lượng cao, an toàn và thân thiện với môi trường, phản ánh xu hướng chuyển dịch trong lối sống và nhận thức của xã hội hiện đại.
Tuy nhiên, một trong những thách thức chính mà các doanh nghiệp nội địa vẫn đang phải đối mặt là sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu quốc tế, những người chơi có lợi thế về công nghệ và chiến lược tiếp thị mạnh mẽ. Điều này buộc các doanh nghiệp Việt phải đổi mới liên tục và nâng cao chất lượng sản phẩm để duy trì tính cạnh tranh. Thêm vào đó, việc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về an toàn sản phẩm và bảo vệ môi trường cũng là một thách thức không nhỏ, yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn vào quy trình sản xuất và hệ thống quản lý chất lượng.
Có thể bạn quan tâm