Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, ưu tiên các dự án công nghệ cao
Theo định hướng chiến lược mới về thu hút vốn FDI đến năm 2030, Nam Định sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc. Trong đó, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
>>>Nam Định: Đẩy nhanh tiến độ tuyến đường chiến lược Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển
Định hướng chiến lược
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Nam Định đã thu hút rất nhiều dự án đầu tư công nghệ sạch. Ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết: Trong thời gian tới, trên toàn tỉnh Nam Định sẽ có nhiều dự án sử dụng công nghệ cao có quy mô lớn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang được tích cực thúc đẩy tiến độ đầu tư, xây dựng để có thể sớm đi vào vận hành sản xuất chính thức.
Theo ông Hồ Tiểu Phong - Phó Chủ tịch Tập đoàn Chung Nam: Ngày 20/7 vừa qua, Tập đoàn Chung Nam, Hồng Kông (Trung Quốc) đã có cuộc xúc tiến hợp tác đầu tư tại Nam Định. Tập đoàn có nhu cầu đầu tư nhà máy sản xuất cụm camera, mắt kính trước và sau của điện thoại. Đây là dự án sử dụng công nghệ cao. Dự kiến tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 50 triệu USD. Tập đoàn đã tìm hiểu đầu tư tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận và cũng đặc biệt quan tâm đến năng lực đáp ứng nguồn lao động, hạ tầng điện, hạ tầng xử lý nước thải... của tỉnh.
Trung tuần tháng 7 vừa qua, tại KCN Dệt may Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, Công ty TNHH Top Textiles, thuộc Tập đoàn Toray (Nhật Bản) cũng đã khánh thành Nhà máy dệt nhuộm có tổng vốn đăng ký 203 triệu USD. Dự án được khởi công từ tháng 7/2022, đến nay đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với công suất 60 triệu mét vải/năm. Hiện dự án đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Đây là dự án công nghệ cao, sử dụng ít công nhân, sản xuất đa dạng các mặt hàng sản phẩm dệt chất lượng cao. Khi hoàn tất đầu tư giai đoạn 2, nhà máy sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 120 triệu mét vải/năm.
Ông Fukumoto – Giám đốc Tập đoàn Dệt Pacific, đồng thời là Chủ tịch Công ty TNHH Top Textiles cho rằng, Top Textiles là một trong những nhà máy dệt kim lớn với quy trình sản xuất bao gồm các khâu dệt, nhuộm và hoàn thiện. “Chúng tôi cam kết bảo vệ môi trường, nhà máy xử lý nước thải của chúng tôi có đầu ra đạt chuẩn cột A, QCVN 40: 2011/BTNMT- tiêu chuẩn cao nhất tại Việt Nam về nước thải công nghiệp. Chúng tôi cũng lắp đặt hệ thống xử lý khí thải để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn cả yêu cầu đối với ngành công nghiệp tại Việt Nam”, ông Fukumoto khẳng định.
Đại diện Công ty TNHH QMH Computer cho biết: Nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh Nam Định, Công ty đã nhanh chóng hoàn tất thuận lợi các công đoạn đầu tư, xây dựng giai đoạn 1 trong quãng thời gian rất ngắn. Dự án của Công ty là dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường
Hiện tại, công ty đang đưa nhà máy số 1 quy mô sản xuất 1,3 triệu chiếc máy tính xách tay/máy tính để bàn vào vận hành sản xuất thử và đang thực hiện các bước đầu tư tiếp theo lộ trình tăng năng lực sản xuất vào năm 2025 đạt 2,6 triệu máy, năm 2026 đạt 3,6 triệu máy, năm 2027 đạt 4 triệu máy, năm 2028 đạt 4,5 triệu máy.
Không đổi lợi ích kinh tế lấy môi trường
Phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp...đó là mục tiêu mà tỉnh Nam Định đưa ra trong thu hút đầu tư.
Theo Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Ty, từ năm 2021, Tỉnh ủy đã chủ trương không thu hút đầu tư dự án sản xuất hàng may mặc, giày dép, trừ ở vùng sâu, vùng xa.
Bởi, những dự án này có thể giải quyết việc làm nhưng thu nhập của người lao động và giá trị gia tăng thấp. Nếu có dự án phù hợp sẽ chuyển về Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông. Hiện nay, tỉnh Nam Định tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Trên thực tế, những năm gần đây, các dự án được cấp phép đầu tư vào Nam Định đều là những dự án có công nghệ cao. Ngay cả với dự án dệt may cũng thuộc phân khúc sản xuất nguyên liệu, không phải may gia công đơn thuần.
Thành công này của Nam Định, đầu tiên phải khẳng định là do nỗ lực của địa phương trong việc tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi, chủ động và phối hợp với các nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc phát sinh giúp các dự án triển khai thuận lợi.
Ông Phạm Gia Túc - Bí thư Tỉnh Nam Định chia sẻ, tỉnh Nam Định đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đặc biệt đã chủ động đầu tư hệ thống hạ tầng các khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đưa vào cung ứng phục vụ sản xuất.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông dần hoàn chỉnh, mạng lưới đường cao tốc thuận lợi kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm quốc gia như Hà Nội, Hải Phòng. Địa phương đang thúc đẩy đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Nam Định - Phủ Lý với vai trò là trục giao thông chính, huyết mạch nối tỉnh Nam Định và tiểu vùng phía Nam đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh đó, Nam Định có dân số gần 2 triệu người, nguồn nhân lực trẻ dồi dào với trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động (chiếm 60% dân số), trong đó lao động có tay nghề, trình độ cao chiếm tỷ lệ lớn. Song song với việc chú trọng thu hút đầu tư, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nước ngoài, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã nhất quán chủ trương ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, bảo vệ môi trường.
Có thể bạn quan tâm