Xuất khẩu thuỷ sản đạt “đỉnh”
Tháng 7, xuất khẩu thủy sản đã đạt mức tăng trưởng cao nhất từ đầu năm đến nay với trên 885 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.
>>>"Cửa sáng" cho cổ phiếu ngành thuỷ sản
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho thấy, trong tháng 7, xuất khẩu thuỷ sản đạt trên 885 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kế trong 6 tháng qua, đồng thời là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,28 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Điều đáng nói, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu đều có sự tăng trưởng khá đồng đều. Đạt mức tăng trưởng cao nhất là mặt hàng tôm với 11% so với thời điểm các tháng đầu năm. Thị trường xuất khẩu chủ lực của mặt hàng tôm vẫn là Trung Quốc và EU lần lượt 24% và 32%, trong khi sang thị trường Mỹ cũng tăng 9%, sang Nhật Bản tăng 4%, duy nhất chỉ sản lượng xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm 21%.
Tính tới cuối tháng 7, lũy kế xuất khẩu tôm đạt gần 2 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 4%, tôm sú đạt 246 triệu USD, giảm 10%. Riêng xuất khẩu tôm hùm tăng gấp gần 3 lần đạt 145 triệu USD.
Sau tôm thì cá tra là mặt hàng xuất khẩu tiếp theo có tín hiệu khởi sắc khi đã tăng 23% trong tháng 7. Trong đó, xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính đều tăng trưởng 2 con số, từ 20-40%, trừ thị trường EU tăng nhẹ 5%.
Lũy kế 7 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn là thị trường mục tiêu số 1 của cá tra Việt Nam, với giá trị 317 triệu USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường này tiêu thụ chủ yếu là cá tra cỡ lớn >1,2 kg/con dạng nguyên con hoặc sản phẩm phile. Ngoài ra đây cũng là thị trường tiềm năng cho sản phẩm phụ là bong bóng cá tra. Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu bong bóng cá tra cả nước đạt khoảng 50 triệu USD, riêng xuất sang thị trường Trung Quốc đạt 40 triệu USD, chiếm 80%.
Cùng biên độ tăng trưởng nhưng có phần nhẹ nhàng hơn là sản lượng xuất khẩu cá ngừ. Sau khi ghi nhận mức tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số, từ 16-32%, xuất khẩu cá ngừ tháng 7 đã tăng chậm lại, chỉ tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt 555 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, 2 dòng sản phẩm xuất khẩu chính là cá ngừ đóng hộp, đóng túi và cá ngừ loin/phile đông lạnh (cũng là nguyên liệu để sản xuất cá hộp).
>>>Những yếu tố chi phối triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản
Tuy nhiên, trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu cá ngừ sẽ đối diện với nhiều khó khăn do hạn hẹp về nguồn cung. Trong 2 tháng qua kể từ khi Nghị định 37 có hiệu lực quy định về kích thức tối thiểu để đánh bắt của cá ngừ vằn, một số doanh nghiệp cá ngừ đã dừng hoàn toàn việc thu mua nguyên liệu cá vằn khai thác trong nước của ngư dân do không đảm bảo kích cỡ 100% đạt 0,5 mét trở lên. Hầu hết các cảng cá hiện nay cũng đã ngừng xác nhận nguyên liệu (giấy S/C) cho các lô hàng cá ngừ vằn do kích thước cá khai thác nhỏ hơn quy định của Nghị định 37. Trong khi giai đoạn này đang là 3 tháng “vào vụ” cao điểm (tháng 7, tháng 8, tháng 9) khai thác cá ngừ vằn của ngư dân Việt Nam.
Ngoài cá ngừ ra, các sản phẩm thủy sản khác như mực, bạch tuộc và các loại cá biển khác cũng trong tình trạng thiếu nguyên liệu để xuất khẩu, không được xác nhận nguyên liệu khai thác để xuất khẩu đi EU. Xuất khẩu các loại cá biển khác (trừ cá ngừ) cũng bị giảm hơn 4% trong 7 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc chỉ tương đương cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 351 triệu USD.
Cũng theo thống kê của VASEP, Top 4 thị trường chính trong tháng 7 gồm: Trung Quốc & Hong Kong tăng 30%, Mỹ tăng 14%, Nhật Bản tăng 11% và EU tăng 14%.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ và Trung Quốc – HK đều tăng 10% và chiếm tỷ trọng tương đương nhau, chiếm gần 18% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đạt trên 930 triệu USD. Xuất khẩu sang EU cũng tăng 10% đạt trên 600 triệu USD. Riêng xuất khẩu sang Hàn Quốc chỉ tăng nhẹ 1% đạt 426 triệu USD.
Trong khi thị trường Trung Quốc có thiên hướng chuộng sản phẩm thủy sản tươi sống phục vụ cho nhà hàng, khách sạn, du lịch thì xét về phân khúc sản phẩm đông lạnh, Mỹ và EU sẽ là 2 thị trường kỳ vọng trong nửa cuối năm. Đặc biệt, trước những tín hiệu tích cực như kinh tế hồi phục, lạm phát giảm, lãi suất giảm có thể sẽ kích cầu ở những thị trường này.
Như vậy, tình hình xuất khẩu khả quan đã mang lại bức tranh kinh doanh tăng trưởng cho doanh nghiệp thủy sản, đơn cử như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đạt doanh thu 6.062 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm cá tra tăng 10,4%, sản phẩm từ gạo tăng 137%, collagen & gelatin tăng 31,7%, sản phẩm giá trị gia tăng tăng 16,7%. Mục tiêu cả năm của Công ty là đạt doanh thu 10.700 - 11.500 tỷ đồng.
Theo các doanh nghiệp thủy sản, hoạt động xuất khẩu sẽ tích cực hơn trong 6 tháng cuối năm 2024 do nhu cầu thường gia tăng dịp lễ, Tết. Đặc biệt, các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, không kháng sinh dự kiến ngày càng được ưa chuộng. Về triển vọng xuất khẩu cá tra, VASEP dự báo, giá cá tra xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng từ 5 - 10% trong nửa cuối năm nay, với động lực chủ yếu đến từ thị trường Mỹ. Kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm 2024 được kỳ vọng sẽ tạo đà cho các doanh nghiệp bứt phá trong nửa cuối năm.
Có thể bạn quan tâm
- "Cửa sáng" cho cổ phiếu ngành thuỷ sản
11:00, 29/07/2024 - Những yếu tố chi phối triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản
04:30, 27/07/2024 - Hải Phòng: Quyết tâm cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản
00:06, 09/07/2024 - Tăng tốc cải cách thủ tục hành chính: Thủ tục truy xuất nguồn gốc thủy sản bất cập
14:05, 02/07/2024