Bình luận

Ngăn chặn hành vi chiếm đoạt nhãn hiệu

GIA NGUYỄN thực hiện 03/08/2024 11:01

Mặc dù pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) hiện hành đã bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người sáng tạo, tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục.

Đây là chia sẻ của luật sư Nguyễn Duy Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao và cộng sự với Diễn đàn Doanh nghiệp.

nguyen-duy-nguyen.jpg
Luật sư Nguyễn Duy Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao

Thời gian vừa qua, tình trạng “đánh cắp” tài sản trí tuệ, bằng cách sao chép tác phẩm có bản quyền, và sau đó đăng ký chúng dưới dạng nhãn hiệu ngày càng gia tăng... Pháp luật hiện hành quy định về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Được sửa đổi năm 2022, Luật Sở hữu trí tuệ bổ sung một điều khoản quan trọng tại Điều 73 quy định về “Dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu”.

Cụ thể, khoản 7 Điều 73 quy định: “Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó” sẽ không được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu. Theo đó, quy định này ngăn cấm việc đăng ký nhãn hiệu là các bản sao tác phẩm, chẳng hạn như logo, thiết kế mỹ thuật hoặc các hình thức biểu đạt sáng tạo khác mà không có sự cho phép của người sáng tạo đầu tiên.

Bằng cách không cho phép đăng ký các dấu hiệu là bản sao của các tác phẩm, luật ngăn chặn các cá nhân hoặc tổ chức đánh cắp hoặc chiếm đoạt các sáng tạo của người khác để trục lợi.

Tuy nhiên, về nhãn hiệu, Luật Sở hữu trí tuệ 2022 lại vận hành theo hệ thống nguyên tắc kép, kết hợp giữa hai nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” và “sử dụng đầu tiên”. Hệ thống này khá đặc biệt trong lĩnh vực SHTT, mang đến cả cơ hội và thách thức cho chủ sở hữu quyền. Trong đó, nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” chiếm ưu thế trong xác lập quyền SHTT tại Việt Nam, ưu tiên bảo hộ cho những người nộp đơn đăng ký đầu tiên, do vậy, thường dẫn đến xung đột với các chủ thể đã sử dụng quyền SHTT từ trước nhưng chưa đăng ký.

Đáng nói, dù khoản 7 Điều 73 quy định cơ chế pháp lý để từ chối hoặc phản đối việc đăng ký nhãn hiệu có chứa tác phẩm được bảo hộ bản quyền, nhưng thực tiễn áp dụng vẫn có thể biến động và không đồng nhất, chủ yếu do tính chất chủ quan của quá trình thẩm định, khi mỗi tình huống cụ thể có thể được hiểu và giải quyết theo nhiều cách khác nhau nên dẫn đến những tồn tại, hạn chế.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

Khoản 7 Điều 73 của Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam vẫn còn mơ hồ về phạm vi của quy định “Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm” trong bối cảnh bảo hộ nhãn hiệu.

Cụ thể, điều khoản này liệu chỉ áp dụng cho các nhãn hiệu chứa “toàn bộ” bản sao tác phẩm hay không, hay cũng áp dụng mở rộng sang các nhãn hiệu chỉ chứa “phần đáng kể” của tác phẩm đó? Trong khi sự phân biệt này rất quan trọng để xác định ranh giới phạm vi bảo hộ của bản quyền trong tương quan với nhãn hiệu xin đăng ký.

12.jpg
Việc đăng ký bản quyền mang lại sự công nhận chính thức và là một công cụ mạnh mẽ trong các thủ tục tố tụng pháp lý.

Không chỉ có vậy, theo khoản 10 Điều 4 Luật này cũng quy định, “Sao chép” bao gồm việc tạo ra các bản sao của “toàn bộ” hoặc “một phần tác phẩm”. Và điểm g khoản 1 Điều 66 của Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định về việc xác định các yếu tố xâm phạm bản quyền quy định, việc sao chép hoặc sao chép trái phép “toàn bộ” hoặc “một phần tác phẩm” sẽ cấu thành hành vi xâm phạm bản quyền?

Từ đó dẫn tới thực tế: Nếu bên thứ ba sử dụng một phần đáng kể tác phẩm được bảo hộ bản quyền tại Việt Nam cho mục đích đăng ký nhãn hiệu, thì nhãn hiệu đó có bị từ chối theo khoản 7 Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam không? Việc giải thích điều khoản này trong các tình huống thực tế vẫn cần được xem xét và làm rõ đầy đủ…

Vậy, để giải quyết những tồn tại, hạn chế đã nêu, ông có đề xuất, khuyến nghị gì?

Bản quyền đối với tác phẩm, theo quy định tại khoản 7 Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 là cơ sở để phản đối hoặc hủy bỏ hiệu lực đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam. Vì vậy, để tránh bị chiếm đoạt nhãn hiệu, chủ thể quyền đích thực nên tăng cường nộp đơn phản đối hoặc hủy bỏ hiệu lực, song song với quá trình đó là việc ghi lại một cách tỉ mỉ quá trình sáng tạo và sự tồn tại của tác phẩm có bản quyền. Điều này có thể bao gồm ngày tạo, bản dự thảo, bản phác thảo hoặc bất kỳ bằng chứng nào khác cho thấy sự phát triển và tính nguyên gốc của tác phẩm.

Đặc biệt, phải tạo ra bằng chứng không thể phủ nhận chứng minh rằng tác phẩm có bản quyền đã tồn tại trước ngày nộp đơn của nhãn hiệu bị tranh chấp. Bên cạnh đó, cần tiến hành đăng ký bản quyền như một công cụ chiến lược, bởi dù quyền đối với tác phẩm tại Việt Nam được tự động xác lập ngay khi sáng tạo, tuy nhiên, việc đăng ký bản quyền mang lại sự công nhận chính thức và ngày xác lập rõ ràng – đây có thể là một công cụ mạnh mẽ trong các thủ tục tố tụng pháp lý liên quan, cung cấp bằng chứng cụ thể về quyền sở hữu và phạm vi quyền nắm giữ.

Ngoài ra, đối với trường hợp đã bị chiếm dụng, chủ thể sở hữu cần thu thập bằng chứng để thể hiện dụng ý xấu của chủ đơn, chẳng hạn như lịch sử sao chép các tác phẩm khác hoặc cố ý sửa đổi các khía cạnh không đáng kể của các tác phẩm để khẳng định tính nguyên gốc của tác phẩm.

Đồng thời, cần thường xuyên giám sát các đơn đăng ký nhãn hiệu mới, nhất là các nhóm hàng hóa/dịch vụ liên quan đến doanh nghiệp đang hoạt động của mình. Việc phát hiện sớm hành vi vi phạm tiềm ẩn giúp chủ sở hữu kịp thời nộp đơn phản đối, việc này thường đơn giản hơn so với trường nhãn hiệu đã được đăng ký.

Trân trọng cảm ơn ông!

GIA NGUYỄN thực hiện