24h

Lại rộ “hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ”: Cẩn trọng bị “lùa gà”

NGUYỄN GIANG 03/08/2024 11:06

Thời gian qua, dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo lừa đảo nhưng có không ít người vẫn dễ dàng “sập bẫy” bởi chiêu trò tinh vi từ mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng mang tên "hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ"…

Liên tục cảnh báo lừa đảo

5e691530-2c53-473b-815b-e9eb16ee57be.jpg
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) vừa khuyến cáo người dân các vấn đề cần lưu ý khi tham gia mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng có tên gọi "hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ".

Mới đây, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) vừa khuyến cáo người dân các vấn đề cần lưu ý khi tham gia mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng có tên gọi "hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ". Bên cạnh tên gọi này, các hợp đồng kinh doanh nghỉ dưỡng dài hạn (thường có thời hạn hợp đồng từ vài năm đến vài chục năm) còn xuất hiện dưới nhiều tên gọi như "hợp đồng nghỉ dưỡng", "hợp đồng dịch vụ tuần nghỉ hạnh phúc", "hợp đồng kỳ nghỉ gia đình", "hợp đồng mua bán thẻ du lịch"...

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết có rất nhiều chiêu trò lừa đảo. Theo giới thiệu, người mua quyền nghỉ dưỡng, quyền sở hữu kỳ nghỉ được quyền sử dụng căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian dài hạn cho bản thân và những người mà khách hàng đăng ký. Tuy nhiên, để sở hữu những kỳ nghỉ này, khách hàng sẽ thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng trước khi sử dụng dịch vụ, thường khoảng 200-800 triệu đồng phụ thuộc vào loại căn hộ và thời gian.

Ngoài ra, khách hàng còn phải chi trả các khoản chi phí khác như phí duy trì, phí thường niên, phí chuyển nhượng, phí trao đổi và bên mua không được hủy ngang hợp đồng.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp cung cấp kỳ nghỉ có thể sở hữu hoặc không sở hữu khu nghỉ dưỡng. Trong trường hợp có sở hữu khu nghỉ dưỡng, sở hữu kỳ nghỉ có thể được bán dưới dạng "hình thành trong tương lai" như một hình thức huy động vốn để chủ sở hữu sử dụng tiền thu được vào việc xây dựng khu nghỉ dưỡng. Thậm chí, một số bên bán không sở hữu khu nghỉ dưỡng nhưng vẫn cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn và thu toàn bộ giá trị hợp đồng của bên mua trước khi cung cấp dịch vụ.

Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên mô hình kinh doanh này bị “réo tên” với những cảnh báo từ cơ quan chức năng. Trong tháng 7 vừa qua, phía Công an TP Hà Nội cũng đã đưa ra cảnh báo lừa đảo với mô hình này. Theo cơ quan Công an, hoạt động mua bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” đã xuất hiện phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số công ty đã đưa ra nhiều chiêu thức để mời chào khách hàng, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết, nhắm vào tâm lý thích được tặng quà… của người dân để lừa đảo, trục lợi.

Trước tình hình trên, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với hoạt động “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”, tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý, nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký kết, đặc biệt chú ý đến các điều khoản liên quan đến quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp, giá trị hợp đồng và các loại chi phí liên quan, cũng như điều khoản chấm dứt hợp đồng, tránh bị lợi dụng gây thiệt hại lợi ích của bản thân.

7300adf7ad6a0834517b.jpg
Công an TP Hà Nội cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với hoạt động “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”.

Biến tướng… “lùa gà”

Từ góc nhìn pháp lý, phân tích những rủi ro khi đầu tư vào mô hình này với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc Công Ty Luật TNHH TGS cho biết, hầu hết các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ đều có thời hạn rất dài, khách hàng phải trả ngay một số tiền lớn từ đầu giao dịch. Nhưng, trả trọn gói cũng không có nghĩa là khách hàng có thể yên tâm chỉ cần thích là đi nghỉ. Bởi, bên cạnh khoản phí cố định là rất nhiều loại phí phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng sau này, như: phí quản lý, phí vận hành, phí duy tu/bảo dưỡng…

Người tiêu dùng cần cân nhắc thật kỹ, đặc biệt cần tỉnh táo trước những chiến thuật tâm lý của đội ngũ tư vấn viên trước khi quyết định đặt cọc bất kỳ khoản tiền nào hoặc đặt bút ký vào bất kỳ tài liệu nào với doanh nghiệp. Mỗi gói dịch vụ sở hữu nghỉ dưỡng mà người mua cần tìm hiểu kỹ. Ví dụ, tại thời điểm ký kết, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này có đủ điều kiện để kinh doanh ngành nghề dịch vụ lưu trú theo quy định của pháp luật hay không” - Luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Luật sư Tuấn cho rằng, người dân phải phải được tư vấn để tránh việc nhân viên giới thiệu sản phẩm sai mục đích, cung cấp thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng…Đến khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền, thì không có tài liệu, chứng cứ chứng minh cụ thể, mà chỉ là “được nghe tư vấn từ nhân viên”.

Ngoài ra, trước khi ký, không phải ai cũng đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng. Trong khi đó, hợp đồng của doanh nghiệp có thể có nhiều nội dung, điều khoản không rõ ràng, gây bất lợi cho người tiêu dùng; miễn trừ trách nhiệm cho công ty; loại bỏ quyền khiếu nại của người tiêu dùng” - Luật sư Tuấn cho biết thêm.


Chia sẻ trên tờ Lao động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng có chung nhận định, mô hình kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch đang bị biến tướng tại Việt Nam, mang tính chộp giật, "lùa gà”, gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội.

Hàng ngày, người dân vẫn thường xuyên nhận được cuộc gọi mời dự hội thảo để nhận voucher nghỉ dưỡng miễn phí nhưng thực chất khi đến thì bị dụ đầu tư sở hữu kỳ nghỉ du lịch với các kịch bản đã được lên sẵn. Các doanh nghiệp, tư vấn viên làm mọi cách để bán được các kỳ nghỉ dưỡng hoặc các căn hộ nghỉ dưỡng, thậm chí đưa ra các tư vấn, quảng cáo không đúng sự thật.

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, với các tư vấn viên trong lĩnh vực đầu tư, tài chính thì phải được đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ. Đồng thời, các nội dung tư vấn đó phải được ghi lại bằng cả âm thanh, hình ảnh để làm căn cứ. Nhưng việc này đã không được thực hiện.

Để mô hình kinh doanh này được phát triển lành mạnh ở Việt Nam, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị các bộ, ngành liên quan cần sớm vào cuộc kiểm tra, thanh tra toàn diện với các doanh nghiệp hoạt động trong thị trường này. Xử lý, xử phạt nghiêm nếu phát hiện sai phạm, đồng thời chuyển cơ quan điều tra nếu thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật Hình sự.

"Vừa qua, trước bức xúc của người dân, dư luận và phản ánh của các cơ quan báo chí, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ thanh tra toàn diện thị trường Bảo hiểm nhân thọ, sau đó đã phát hiện được rất nhiều sai phạm tại các doanh nghiệp. Theo tôi, các Bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cần có động thái tương tự đối với thị trường kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh bày tỏ quan điểm.

NGUYỄN GIANG