Khắc phục bất cập trong định giá tài sản góp vốn
Mặc dù Luật Doanh nghiệp 2020 đã có sự thay đổi trong việc quy định định giá tài sản góp vốn, tuy nhiên, để hoạt động này được chuyên nghiệp, minh bạch, cần khắc phục những bất cập trong quy định của chính sách...
Đây là chia sẻ của Luật sư Trần Thị Huyền Trang - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Định giá tài sản khi góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp bấy lâu nay được cho còn bất cập, pháp luật hiện hành quy định về vấn đề này như thế nào, thưa bà?
So với các Luật Doanh nghiệp trước đây, khoản 2 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 đã có sự thay đổi trong việc quy định định giá tài sản góp vốn. Cụ thể, tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Nguyên tắc đồng thuận ở đây có nghĩa “mọi vấn đề đều phải được tất cả các thành viên nhất trí hoặc không phản đối”. Việc sử dụng “nguyên tắc đồng thuận” đã làm rõ định nghĩa hơn so với “nguyên tắc nhất trí” được quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2014. Đồng thời, nếu có tổ chức thẩm định giá thì Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định rõ hơn khi thay cụm từ “phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp nhận” bằng “phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận”.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc để các thành viên, cổ đông sáng lập được quyền định giá theo nguyên tắc nhất trí thường không dễ dàng, tiềm ẩn những hệ lụy, hậu quả sau này, nhất là việc định giá đối với các tài sản vô hình như quyền sở hữu trí tuệ.
Cụ thể ở đây là những vấn đề gì, thưa bà?
Việc định giá tài sản góp vốn đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ không thể sử dụng các phương pháp thông thường như định giá các loại tài sản khác, bản thân các thành viên khó có thể tự mình tiến hành định giá loại tài sản này.
Thực tế cho thấy, nếu cho phép các thành viên định giá mà không có sự định giá của các tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp thì sẽ có thể dẫn đến hậu quả là định giá quá cao hoặc quá thấp tài sản góp vốn. Từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của doanh nghiệp cũng như các chủ thể có liên quan khác.
Theo quy định, tài sản góp vốn kinh doanh nếu được định giá cao hơn so với giá trị thực tế thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế…
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ dừng lại ở việc quy định các chủ thể trên phải liên đới chịu trách nhiệm vật chất bằng cách góp thêm tài sản để bù vào số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm được định giá, đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế nhưng căn cứ để xác định mức trách nhiệm vật chất cụ thể mà mỗi một thành viên Hội đồng thành viên công ty TNHH và công ty hợp danh, mỗi một cổ đông sáng lập, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, người góp vốn phải chịu là bao nhiêu thì Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định.
Vậy, để hóa giải những tồn tại, bất cập đã nêu, bà có đề xuất, khuyến nghị gì?
Theo tôi, trong tương lai, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cần được sửa đổi theo hướng quy định về vai trò bắt buộc của tổ chức thẩm định giá độc lập khi góp vốn thành lập doanh nghiệp trong một số trường hợp, cụ thể là khi vốn góp kinh doanh đối với quyền sở hữu trí tuệ chiếm một tỷ lệ 50% trong tổng số vốn góp của các thành viên, cổ đông sáng lập.
Bên cạnh đó, các thành viên, cổ đông sáng lập vẫn có quyền định giá tài sản góp vốn nhưng không được cao hơn giá mà tổ chức thẩm định giá độc lập đã đưa ra.
Trường hợp các thành viên, cổ đông sáng lập định giá cao hơn so với giá mà tổ chức thẩm định giá độc lập đưa ra thì các thành viên, cổ đông sáng lập phải chịu trách nhiệm liên đới đối với phần định giá vượt quá.
Đồng thời, các quy định trong Luật cũng cần phân định cụ thể tỷ lệ trách nhiệm giữa cổ đóng góp vốn và các cổ đông/thành viên định giá khi định giá sai giá trị tài sản góp vốn.
Bởi hiện nay, theo Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ quy định các cổ đông/thành viên sáng lập phải “liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá, đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế”.
Tuy nhiên, tỷ lệ góp thêm và tỷ lệ bồi thường thiệt hại cụ thể như thế nào chưa được quy định, trong khi xác định giá trị của tài sản góp vốn, nguyên tắc thông qua của các cổ đông/thành viên góp vốn là nguyên tắc nhất trí mà không phải theo tỷ lệ cổ phần/phần vốn góp cam kết mua.
Trân trọng cảm ơn bà!