Kinh tế

“Lực cản” xuất nhập khẩu

Thy Hằng 05/08/2024 03:30

6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của vùng Đông Nam Bộ chiếm tới 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, tuy nhiên hạ tầng logistics thiếu hụt đang là “lực cản” với hoạt động xuất nhập khẩu của vùng.

brvt.jpg
Logistics vùng Đông Nam bộ chưa được đánh giá cao vì yếu và thiếu liên kết giữa các tỉnh trong vùng.

Dù chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng Đông Nam Bộ năm 2023 đạt 220,5 tỷ USD.

Đáng lưu ý, 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của vùng đạt 115,7 tỷ USD, chiếm tới 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hàng hóa xuất khẩu của Vùng đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ với nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cũng thẳng thắn, vùng đang đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó, mối quan hệ vùng và liên kết vùng trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu còn chưa được quan tâm thỏa đáng khiến mức tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng.

Cụ thể với mặt hàng rau quả, ông Đặng phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam khẳng định vùng Đông Nam Bộ là vùng xuất khẩu rau quả lớn của các nước với nhiều cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp trong đó có “ngôi sao” đang lên là sầu riêng. Tuy nhiên hạ tầng và chi phí logistics của vùng lại đang là áp lực với doanh nghiệp. “Xung đột địa chính trị và bất ổn của tình hình thế giới đang khiến giá cước và thời gian vận chuyển hàng rau quả tăng lên, tạo áp lực với các doanh nghiệp”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Cũng nỗi lo về logistics với hàng hoá, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh lo lắng, cơ sở hạ tầng kho bảo quản, kho lạnh thiếu hụt đang ảnh hưởng lớn tới ngành lương thực thực phẩm, làm giảm thời gian lưu trữ và làm tăng tỷ lệ hư hỏng của hàng hoá.

Bà Lý Kim Chi cho rằng, do chưa có chính sách khuyến khích chung cho doanh nghiệp đầu tư kho lạnh. Trong khi đó, doanh nghiệp “tự thân vận động” thì làm không nổi. Bởi vậy, lãnh đạo Hội Lương thực thực phẩm nhận định hạ tầng logistics thiếu hụt là “lực cản” với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong ngành.

Đề xuất giải pháp cho những băn khoăn này, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) kiến nghị các địa phương phối hợp với Hiệp hội thực hiện quy hoạch, kế hoạch để hỗ trợ triển khai các giải pháp logistics cho nông sản – nhất là hạ tầng logistics theo Công điện 13 của Thủ tướng, hỗ trợ các dự án ESG, phục vụ cho phát triển logistics xanh, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, hỗ trợ các dự án chuyển đổi số về logistics nhằm nâng cao hiệu suất, hiệu quả vận hành, cắt giảm chi phí logistics, nâng cao tính cạnh tranh cho xuất nhập khẩu Việt Nam.

Với các doanh nghiệp, hiệp hội trong vùng, Chủ tịch VLA đề xuất các hiệp hội cần trao đổi, chia sẻ thông tin một cách chuyên nghiệp, phối hợp với VLA xây dựng cơ sở dữ liệu logistics và chuỗi cung ứng Việt Nam.

Thy Hằng