Dữ liệu việc làm Mỹ "phá vỡ" kế hoạch của FED
Dữ liệu việc làm Mỹ là cú sốc bất ngờ khiến nhà đầu tư lo lắng. Cục Dự trữ liên bang (FED) có thể phải hành động quyết liệt hơn trước dấu hiệu suy thoái kinh tế theo quy tắc Sahm.
Sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu về việc làm tháng 7, ông Brian Bethune, Giáo sư kinh tế tại Đại học Boston bình luận: “Nếu dữ liệu việc làm công bố sớm hơn, các quan chức FED có lẽ đã quyết định cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 31/7”. Vì sao như vậy?
Theo số liệu được công bố ngày 2/8, việc làm phi nông nghiệp của Mỹ chỉ tăng 114.000 việc làm trong tháng, dưới mức ước tính của Dow Jones là 185.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao lên 4,3%, cao nhất kể từ tháng 10/2021.
Thu nhập trung bình mỗi giờ, một phong vũ biểu lạm phát được theo dõi chặt chẽ, tăng 0,2% trong tháng và 3,6% so với một năm trước. Cả hai con số đều thấp hơn dự báo tương ứng là 0,3% và 3,7%. Tuần thứ 10 liên tiếp số đơn xin trợ cấp cao hơn con số 220.000.
Thị trường lao động từng là trụ cột của sức mạnh kinh tế Mỹ, nhưng gần đây đã cho thấy một số dấu hiệu bất ổn. Điều này làm dấy lên lo ngại về tình trạng suy thoái kinh tế Mỹ.
Becky Frankiewicz, Chủ tịch cơ quan tuyển dụng ManpowerGroup, ví von: “Nhiệt độ có thể nóng trên khắp đất nước Mỹ, nhưng không có đợt “nắng nóng” mùa hè nào đối với thị trường việc làm”.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lần này khiến giới chuyên gia nghiêng về “Quy tắc Sahm” - bộ đo suy thoái kinh tế của chuyên gia kinh tế Claudia Sahm “khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong 3 tháng cao hơn nửa điểm phần trăm so với mức thấp nhất của 12 tháng, thì nền kinh tế đó đang trong suy thoái”. Trong trường hợp này, tỷ lệ thất nghiệp là 3,5% vào tháng 7/2023 trước khi bắt đầu tăng dần. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng tăng lên 4,13%.
Mặc dù thị trường hân hoan những dấu hiệu từ FED - vì việc cắt giảm lãi suất có thể diễn ra ngay sau tháng 9, nhưng tâm lý nhanh chóng chuyển sang lo lắng khi dữ liệu việc làm sau đó cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng vọt bất ngờ và sự suy yếu hơn nữa của lĩnh vực sản xuất.
Nhiều chuyên gia đồng quan điểm với nhận xét của Giáo sư Brian Bethune, FED có lẽ phải hành động cấp tập hơn. Các thị trường đã dự báo về việc cắt giảm lãi suất ít nhất 1/4 điểm phần trăm tại mỗi cuộc họp trong số ba cuộc họp còn lại của FED trong năm nay. Tuy nhiên, tỷ lệ dự báo đang gia tăng là FED thậm chí có thể cắt giảm vượt xa mức 1/4 phần trăm như thường lệ.
Các chiến lược gia tại Goldman Sachs dự báo, FED có thể phải cắt giảm lãi suất 3 đợt trong giai đoạn cuối năm 2024, thay vì 2 như kế hoạch. Và việc thay đổi mức lãi suất đột ngột là nỗi ám ảnh “trở tay không kịp” với nhà đầu tư và các nền kinh tế phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.