Bình luận

Lại rộ “hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ”: Rủi ro và cạm bẫy

NGUYỄN GIANG 04/08/2024 03:30

Các chuyên gia pháp lý nhận định, mô hình kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ đang bị biến tướng, mang tính chộp giật, “lùa gà”. Nếu xảy ra tranh chấp, có thể người mua sẽ “mất trắng” số tiền đã đầu tư…

Như đã thông tin, thời gian qua, dù cơ quan chức năng liên tục đưa ra thông tin cảnh báo lừa đảo nhưng có không ít người vẫn dễ dàng “sập bẫy” bởi những chiêu trò tinh vi từ mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng mang tên "hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ".

Thực tế, mô hình sở hữu kỳ nghỉ (còn gọi là timeshare) là một hoạt động chia sẻ thời gian nghỉ dưỡng tại các khu nghỉ dưỡng trong một khung phận địa lý nhất định. Nói cách khác, timeshare là việc mua quyền sở hữu một bất động sản trong một thời gian nhất định và trong một khoảng địa lý được lựa chọn. Đây là mô hình xuất hiện từ rất lâu trên thế giới, một ngành được coi là “hái ra tiền”. Tuy nhiên khi du nhập vào Việt Nam, mô hình này đã bị biến tướng, thậm chí đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người.

lai-ro-hop-dong-so-huu-ky-nghi-rui-ro-va-cam-bay-1.png
Những lời quảng cáo hoa mỹ khi rao bán dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ. Ảnh: CAND

Anh Lê Kim H (tại phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết, tình cờ anh nhận được cuộc gọi từ một nhân viên tư vấn của công ty HFV nói, công ty có chương trình tặng Voucher nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm tại một căn hộ khách sạn cho 2 người lớn và 1 trẻ em dưới 6 tuổi trong các quần thể nghỉ dưỡng của tập đoàn FLC hoặc CocoBay Đà Nẵng.

Để hiểu rõ hơn kỳ nghỉ miễn phí này, nhân viên này mời anh đến văn phòng Công ty để được tư vấn kỹ hơn. Thấy đây là kỳ nghỉ miễn phí... cao cấp, anh H tò mò đến văn phòng Công ty HFV ở trong một tòa nhà trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, TP HCM. Tại đây, anh được nhân viên tư vấn giới thiệu về hoạt động của công ty HFV, chiếu những hình ảnh đẹp lung linh về những kỳ nghỉ dưỡng tại khách sạn 5 sao và giới thiệu những đơn vị “đối tác” của công ty HFV.

Để tạo thêm niềm tin cho anh H, nhân viên tư vấn đưa ra một bộ sưu tập các địa điểm du lịch mà HFV có liên kết, đồng thời trưng ra các hợp đồng và ảnh chụp với các lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn mà HFV làm đại lý độc quyền khai thác. Thấy có chứng cứ hẳn hoi, anh H tin tưởng nên đồng ký hợp đồng mua bán sản phẩm kỳ nghỉ của công ty HFV với trị giá 170 triệu đồng, anh đã đóng 2 lần với tổng số tiền 139,8 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ khi đóng tiền ký hợp đồng (tháng 10/2019), anh H chưa được một lần đi du lịch do công ty liên tục đưa ra những lý do. Đến cuối năm 2022, công ty HFV đã bất ngờ đóng cửa, còn lãnh đạo công ty thì...“biến mất”.

Trong hoàn cảnh tương tự, anh Phạm Trường T (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cho biết, khoảng tháng 2/2024, anh được mời mua dịch vụ nghỉ dưỡng của Công ty D.T (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) do nhân viên có tên Nguyễn Ngọc V. giới thiệu với những lời quảng cáo hoa mỹ và những cam kết sẽ hỗ trợ nhiệt tình.

Cuối tháng 2/2024, anh T đã đặt cọc và chuyển khoản 160 triệu đồng cho Công ty D.T để mua dịch vụ. Tuy nhiên, ngay sau đó, nhân viên Nguyễn Ngọc V. cùng những cam kết, hứa hẹn đã nhanh chóng “mất liên lạc”. Liên hệ với Công ty D.T để đòi quyền lợi thì anh nhận được câu trả lời “nhân viên Nguyễn Ngọc V đã nghỉ việc, công ty không biết gì về cam kết, hứa hẹn của nhân viên” và cũng nhanh chóng tắt máy.

Trước những tiêu cực đang diễn ra, nhiều chuyên gia đã nhận định, mô hình kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ hiện đang bị biến tướng tại Việt Nam, có một số đơn vị kinh doanh mang tính chộp giật, “lùa gà” gây ra nhiều hệ luỵ nhức nhối xã hội.

lai-ro-hop-dong-so-huu-ky-nghi-rui-ro-va-cam-bay-2.jpg
Những khu du lịch đẹp như mơ được một số công ty giới thiệu

Trao đổi về mô hình kinh doanh này với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật EMME LAW cho biết, khách hàng khi tham gia vào mô hình sở hữu kỳ nghỉ du lịch sẽ phải đối diện với những rủi ro như kiểm soát hợp đồng khó khăn; hợp đồng dài hạn với chi phí lớn nhưng chưa rõ khả năng, hiệu quả sử dụng dịch vụ trong tương lai; dự án chưa hoàn thiện; khó khăn trong chuyển nhượng.

Người tiêu dùng phải cân nhắc kỹ lưỡng và tìm hiểu thông tin chi tiết trước khi quyết định tham gia mô hình này để tránh những thiệt hài tài chính, rủi ro không mong muốn”, vị luật sư khuyến nghị.

Cũng chia sẻ trên tờ The LEADER về nội dung này, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm cũng khẳng định, đây là loại hình sản phẩm rất phức tạp, nhiều biến tướng, tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng,

Theo chia sẻ của luật sư Trương Anh Tú, tại các buổi hội thảo, đại diện công ty bán sở hữu kỳ nghỉ và nhân viên bán hàng thường đưa ra những cam kết rất “chắc chắn”, “như đinh đóng cột” về quyền lợi mà các gói sở hữu kỳ nghỉ mang lại.

Những cam kết về dịch vụ đẳng cấp, khả năng sinh lời rất hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng, khiến họ dễ dàng xuống tiền mua sở hữu kỳ nghỉ. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như tất cả các hợp đồng bằng giấy đều rất quy định rất “chung chung”, không rõ ràng về quyền lợi khách hàng được hưởng khi mua sở hữu kỳ nghỉ.

Từng tư vấn cho nhiều nạn nhân, ông Tú tiết lộ, quyền lợi của khách hàng trong hợp đồng ký kết thường không giống với thông tin mà họ được nghe quảng cáo, giới thiệu. Các công ty áp dụng mô hình chia sẻ kỳ nghỉ đang lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để thu lợi nhuận trong khi họ không hề được hưởng những dịch vụ tương ứng cam kết.

Đáng chú ý theo Luật sư Trương Anh Tú, khi các điều khoản cam kết cụ thể của phía bên bán sở hữu kỳ nghỉ không được quy định rõ ràng, minh bạch trong hợp đồng, nếu có tranh chấp, khiếu kiện xảy ra, khách hàng sẽ rơi vào “thế yếu” khi đưa sự việc ra pháp luật.

Một dẫn chứng điển hình về sự thiếu rõ ràng trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ được luật sư chỉ ra là vấn đề về nghĩa vụ tài chính của khách nghỉ dưỡng. Theo đó, bên cạnh khoản tiền phải thanh toán một lần tại thời điểm ký kết hợp đồng khoảng vài trăm triệu đồng, khách hàng còn phải thanh toán chi phí hàng năm lên đến vài chục triệu đồng để sử dụng quyền nghỉ dưỡng thực tế.

Tuy nhiên, khoản chi phí này hoàn toàn không được quy định cụ thể trong hợp đồng. Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ vắng bóng “mức phí cụ thể” hay nguyên tắc thu. Thậm chí, nhiều khách hàng còn không hề biết về mức phí này khi mua sở hữu kỳ nghỉ.

Điều này dẫn đến người mua kỳ nghỉ không thể đoán định được các loại phí dịch vụ mà doanh nghiệp bán hàng áp đặt, bao gồm các khoản phí duy trì, quản lý và duy tu liên quan đến khu nghỉ. Những khoản phí này bị “thả nổi”, có thể thay đổi tùy ý, khiến người mua không thể kiểm soát”, Luật sư Trương Anh Tú phân tích.

NGUYỄN GIANG