Phân tích - Bình luận

"Trump 2.0" và những tác động đến Ấn Độ - Thái Bình Dương

CẨM ANH 04/08/2024 03:00

Nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ (Trump 2.0), ông có thể sẽ tiếp tục chính sách 'Nước Mỹ trên hết' và làm giảm sự ổn định tại khu vực Độ Dương - Thái Bình Dương.

106576204-15919939452020-06-09t000000z-1586401758-rc2x5h978ddx-rtrmadp-0-alaska-hunting-6420.jpeg
Nhiều quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang lo ngại về sự quay trở lại của ông Donald Trump.

>> “Hiệu ứng Trump” lan tới nhiều ngành kinh tế

Các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã bắt đầu chuẩn bị cho khả năng ông Donald Trump trở lại làm Tổng thống Mỹ.

Nếu ông Trump tái đắc cử, kế hoạch của Washington cho sự tham gia của mình vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể thay đổi so với thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden.

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rất quan trọng đối với Mỹ, do đó, ông Trump khó có thể thay đổi mạnh mẽ cấu trúc hiện có vốn đang hỗ trợ mối quan hệ giữa Mỹ và khu vực. Tuy nhiên, cách ông Trump triển khai các chiến lược của mình cho khu vực có thể khiến các đồng minh của Mỹ lo ngại, đặc biệt là khi ông áp dụng lập trường “Nước Mỹ trên hết” trong chính sách đối ngoại.

Nhiều nhà quan sát dự đoán, ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ nối lại liên lạc. Điều này có khả năng sẽ tác động đến an ninh của bán đảo Triều Tiên.

Ông Kim có thể công bố các đề xuất mới cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên trong khi bất kỳ sự xích lại gần nào giữa Washington và Bình Nhưỡng cũng có thể khiến Seoul phải đứng ngoài cuộc.

Cụ thể, sẽ có những thay đổi đối với nhóm tham vấn hạt nhân Hoa Kỳ-Hàn Quốc hay các cuộc tập trận quân sự thường xuyên có sự tham gia của quân đội từ cả hai nước.

Ông Trump đã nói rằng các đồng minh của Mỹ nên có nhiều đóng góp vào an ninh do quân đội Hoa Kỳ cung cấp và Seoul phải tính đến điều này trong trường hợp ông trở lại Nhà Trắng.

Với Nhật Bản, một đồng minh quan trọng khác của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông Trump cũng có thể gây sức ép buộc Tokyo tăng chi tiêu và tài trợ quốc phòng để duy trì sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Nhật Bản.

>> Ngành tiền điện tử Mỹ sẽ "tươi sáng" nếu ông Trump tái đắc cử

Một lĩnh vực khác đối với Nhật Bản là tác động đến thương mại dưới thời Trump. Cựu Tổng thống Mỹ đã cảnh báo về việc áp dụng mức thuế 10% trên toàn thế giới đối với hàng nhập khẩu và mức thuế 60% đối với hàng hóa của Trung Quốc.

trump-2-1024x682.jpg
Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Philippines.

Với sự hiện diện của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc và tầm quan trọng của thị trường Mỹ, Tokyo sẽ lo ngại rằng thuế quan mới mà Hoa Kỳ có khả năng áp đặt sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Đông Nam Á cũng có thể để mắt đến "Trump 2.0" vì trong quá khứ, ông tỏ ra không quan tâm đến các vấn đề của khu vực. Trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Trump đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2017 và bỏ qua các hội nghị thượng đỉnh tiếp theo trong ba năm liên tiếp.

Các nhà phân tích cho biết một trong những lo ngại của Đông Nam Á về Trump 2.0 là ông thích hành động đơn phương thay vì hợp tác đa phương, kể cả khi liên quan đến Trung Quốc. Điều này đã được thấy rõ trong việc Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP (nay là CPTPP) và ưu tiên đàm phán thương mại song phương.

Mặc dù vậy, khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2024 của Viện ISEAS-Yusof Ishak cho thấy, nhiều quốc gia Đông Nam Á vẫn lo lắng về một Trung Quốc đang trỗi dậy và muốn thấy sự tham gia mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ vào Đông Nam Á.

Nhà khoa học chính trị Chong Ja Ian của Đại học Quốc gia Singapore cho biết nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể khó đoán hơn nhiệm kỳ đầu tiên.

"Trên thực tế, nhiều nhân sự đã giữ cho chính sách của Mỹ được ổn định dưới thời chính quyền Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên sẽ không còn ở lại trong nhiệm kỳ thứ hai. Điều này sẽ mang đến tâm lý bất an trong khu vực khi không rõ điều gì sẽ xảy ra trong tương lai", ông nói.

Phó giáo sư Chong cũng cho biết thêm, nhiều khả năng chính quyền Trump 2.0 có thể khiến Hoa Kỳ trở nên đối đầu hơn về mặt kinh tế trong khi lại cô lập hơn trên mặt trận chính sách đối ngoại. Điều này có thể làm suy yếu thêm các quy tắc quốc tế đang giúp hỗ trợ sự ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á.

Đặc biệt, Tiến sĩ Pitakdumrongkit lưu ý, các nước Đông Nam Á có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, như Thái Lan,... có thể trở thành mục tiêu của ông Trump. Hay những khoản đầu tư đáng kể của Trung Quốc vào Indonesia trong các lĩnh vực như khoáng sản, có thể sẽ gây ra những lo ngại cho chính quyền Trump.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng chỉ ra, dưới thời ông Trump, Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện để giữ các tuyến giao thông đường biển quan trọng luôn thông suốt. Các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông đã đạt mức cao kỷ lục và giảm dần dưới thời ông Biden.

Do đó, có ý kiến cho rằng, khu vực này có thể chuẩn bị cho nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump thông qua việc tăng cường nỗ lực để trở thành một nơi hấp dẫn hơn cho đầu tư và thương mại. Các quốc gia có thể tham gia với Hoa Kỳ thông qua các biện pháp hợp tác song phương và xác định lợi ích chung để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo hoặc kinh tế số.

Theo ông Pou Sothirak, Cố vấn cao cấp danh dự của Trung tâm nghiên cứu khu vực Campuchia (CCRS), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng nên tiếp tục duy trì vai trò trung tâm của ASEAN và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế vì lợi ích của chính mình.

CẨM ANH