Trái cây Việt Nam rộng cửa “xuất ngoại”
Sau xoài và thanh long, bưởi là quả tươi thứ 3 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc.
Với nhiều loại trái cây Việt Nam đang rộng cửa vào thị trường Đông Bắc Á, sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu xuất khẩu rau quả 7 tỷ USD trong năm 2024.
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 7/2024 xuất khẩu rau quả đã thu về 3,8 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng sầu riêng đóng góp 40% tổng giá trị xuất khẩu rau quả.
Có được kết quả trên là nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đi vào thực thi đã mở cửa, cắt giảm thuế quan cho nhiều mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam.
Đáng chú ý, các thị trường khu vực Đông Bắc Á, ngoài Trung Quốc thì Hàn Quốc, Nhật Bản đang có sự bứt phá ngoạn mục, chiếm tới 80% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Về thị trường xuất khẩu trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch 2,16 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 65% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành hàng này của nước ta.
Đáng chú ý, Hàn Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành khách hàng lớn thứ 2 của rau quả Việt xuất khẩu. Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 164 triệu USD, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, trong top 10 thị trường chủ lực, kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh, chỉ đứng sau Thái Lan.
Vừa mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) báo thêm tin vui khi quả bưởi Việt Nam chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Hiện nay, nước ta có khoảng 105.400ha trồng bưởi, sản lượng ước đạt 905 nghìn tấn. Các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền.
Cụ thể, Đồng bằng sông Hồng có hơn 13.000ha với sản lượng trên 175.000 tấn; trung du miền núi phía Bắc có hơn 30.000ha, sản lượng 253.000 tấn. Riêng ĐBSCL có khoảng 32.000ha, sản lượng khoảng 369.000 tấn…
Việc quả bưởi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc là một bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho nông sản nước ta tiếp cận thị trường quốc tế, đồng thời khẳng định chất lượng và uy tín của nông sản Việt trên thị trường thế giới.
Theo nhận định của các chuyên gia, nhu cầu tiêu dùng rau quả của thị trường xuất khẩu nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục tăng lên. Vậy làm sao đón cơ hội "vàng" để bứt tốc?
Với ngành rau quả Việt Nam nói chung và sầu riêng nói riêng, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng quyết định cho sự tăng trưởng vẫn phải là chất lượng.
"Cần giữ mối liên kết giữa nhà vườn và doanh nghiệp thu mua, doanh nghiệp xuất khẩu để nhà vườn chạy theo giá cả, không bẻ "kèo" như hái sầu riêng non.
Ngoài ra, cần giữ quy định mẫu mã, vùng trồng, tránh để những lùm xùm về sầu riêng nhiễm cadimi như thời gian qua", ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Đặc điểm của sầu riêng là giá rất đắt, sầu riêng Tây Nguyên hết vụ thì sầu riêng miền Tây tiếp vụ nên có thời điểm cả thế giới chỉ Việt Nam có sầu riêng.
Do đó, ông Đăng Phúc Nguyên đề xuất để tận dụng ưu thế này, các doanh nghiệp cần chuyển hướng sản phẩm sầu riêng đông lạnh để bán sang các nước giàu.
"Ngoài Trung Quốc thì cần mở rộng sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Khi đã có thị phần, có tiếng tăm rõ ràng thì câu chuyện kim ngạch xuất khẩu sầu riêng mong muốn mang về 3 tỷ USD trong năm 2024 chỉ là chuyện nhỏ", ông Đặng Phúc Nguyên bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam nhấn mạnh, để duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu, người sản xuất và doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm và chất lượng.
Trái cây Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại khu vực Đông Bắc Á.
“Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất, đồng thời tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng với những thay đổi của thị trường và xây dựng thương hiệu”, ông Nguyễn Thành Hiếu chia sẻ.