Kinh tế

Xuất khẩu hàng hóa: Doanh nghiệp Việt cần lưu ý những vấn đề nào?

TUẤN VỸ 04/08/2024 00:10

Hiện nay, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp dần cởi mở hơn, tuy nhiên các đơn vị cũng cần lưu ý đến chất lượng sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu thị trường, ràng buộc hợp đồng kỹ càng,...

>>Xuất khẩu dệt may sang EU đang phục hồi

Đó là khuyến nghị cụ thể từ các tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia trên thế giới gửi đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên con đường phát triển sản phẩm hướng đến xuất khẩu tại Hội nghị “Kết nối giao thương xúc tiến xuất khẩu – Đà Nẵng 2024” . Hiểu rõ bản vấn đề, các doanh nghiệp có thể phát triển xa hơn, thuận lợi hơn trong việc gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Thị trường gần nhất như Trung Quốc, ông Nông Đức Lai - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cho hay quốc gia này có hệ thống các văn bản quy định pháp luật như Luật An toàn thực phẩm nước CHND Trung Hoa; Luật Kiểm dịch động thực vật xuất nhập cảnh nước CHND Trung Hoa; Biện pháp Quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Lệnh 249); Quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu nước ngoài (Lệnh 248),...

xuatkhauhanghoa.jpg
Khi hướng đến xuất khẩu, cần lưu ý đến chất lượng sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu thị trường, ràng buộc hợp đồng kỹ càng,...

Ngoài ra còn có các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm như Tiêu chuẩn sử dụng phụ gia thực phẩm (GB 2760-2014); Tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm (GB 2763-2021). Các quy định về bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc như Biện pháp Quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Điều 28 ~ Điều 32); Thỏa thuận, Nghị định thư giữa Trung Quốc với các quốc gia xuất khẩu,...

Để dễ dàng tiếp cận thị trường này, ông Lai cho rằng các doanh nghiệp cần coi trọng nội nhu và lấy tiêu dùng nội địa là động lực cho tăng trưởng kinh tế thông qua việc thúc đẩy thị trường nội địa phát triển, lấy tiêu dùng bù đắp cho xuất khẩu. Cùng với đó, xu hướng tiêu dùng của người Trung Quốc, nhất là người tiêu dùng ở đô thị đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Quy chuẩn hóa các quy định và hệ thống quản lý, giám sát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

“Cần phát huy lợi thế của Việt Nam để khai thác và đáp ứng tối đa tiềm năng, nhu cầu to lớn của thị trường Trung Quốc. Đồng thời, các doanh nghiệp nên tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn nước nhập khẩu và tăng cường quản lý, giám sát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Song song là tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu, chú trọng xây dựng thương hiệu, cần có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường nước nhập khẩu. Sẵn sàng cạnh tranh với hàng hóa nông sản, thực phẩm của các quốc gia cùng tham gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc”, ông Lai khuyến nghị.

hanghoa.jpg
Các doanh nghiệp cần tìm phương án để đáp ứng các yêu cầu của thị trường khách hàng cũng như các quy định và tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm, yếu tố về thẩm mỹ, tính tiện dụng,...

Tương tự, bà Quyền Thị Thúy Hà – Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam (Bộ Công thương) tại Osaka, Nhật Bản cho rằng tiềm năng và dư địa cho Việt Nam tại Nhật Bản cho các sản phẩm nông lâm thủy sản còn rất lớn. Thông tin từ vị này, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của Nhật Bản cao và tăng trưởng mạnh những năm gần đây (khoảng 30% trong năm 2022)

Tuy nhiên, bà Hà cũng dẫn ra một số hạn chế với các mặt hàng này là khó giữ mẫu mã bên ngoài, các doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế trong việc kiểm soát thuốc thực vật sử dụng trong canh tác. Đồng thời, bà Hà cũng đề cập đến việc các công ty xuất khẩu của Việt Nam chưa được phân hóa chuyên nghiệp, chỉ có 1 số ít đơn vị quy mô lớn nhưng chưa đồng bộ và kiểm soát tốt được tất cả các khâu.

“Việc xuất khẩu nhiều khi còn chạy theo thành tích số lượng, mục tiêu doanh số, đặc biệt là vào vụ mùa cao điểm mà chưa đầu tư đúng mức vào khâu bảo quản sau thu hoạch hay chế biến sâu”, vị này thẳng thắn.

Vì vậy, bà Quyền Thị Thúy Hà cho rằng các doanh nghiệp cần thẳng thắn nhìn nhận vào những điểm hạn chế, phân tích cặn kẽ và tìm cách để khắc phục. Đặc biệt là tìm phương án để đáp ứng các yêu cầu của thị trường Nhật Bản như các quy định và tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm, yếu tố về thẩm mỹ, tính tiện dụng trong bao bì mẫu mã, mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện môi trường đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao của nhà sản xuất,...

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần nghiêm túc đúc rút các bài học kinh nghiệm từ những lô hàng thất bại, những phàn nàn từ khách hàng, đối tác. Thường xuyên cập nhật phản hồi từ khách hàng, phân tích điểm mạnh, điểm yếu so với sản phẩm tương tự của các nước cạnh tranh.

“Đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng, khắc phục các nhược điểm, tìm tòi các kỹ thuật mới, chăm chút trong tất cả các quy trình từ canh tác, thu hoạch, bảo quản, đóng bao bì, chế biến, lưu thông. Đặc biệt, luôn coi trọng chất lượng và dịch vụ như chính uy tín của doanh nghiệp, của thương hiệu quốc gia. Chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, bán chất lượng sản phẩm và giá trị dịch vụ và xây dựng mô hình công ty thực sự chuyên nghiệp”, bà Hà đưa lời khuyên.

Ông Dương Hoàng Minh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nga cho hay có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham dự các Triển lãm tại Nga đã tìm được khách hàng, từng bước tăng xuất khẩu và phát triển được thương hiệu tại thị trường. Trong thời gian tới, vị này thông tin Thương vụ Việt Nam Nga sẽ tổng hợp danh sách các triển lãm tiêu biểu tại Nga và một số nước SNG năm 2025, gửi về Bộ Công Thương, VCCI, các Hiệp hội ngành hàng,… để thông tin tới các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vị này cũng đưa ra lời khuyên các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về khách hàng trước khi tiến hành giao dịch, ký kết hợp đồng. Thông tin từ ông Minh, trong các năm gần đây, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bị các đối tượng trên Internet lừa chào hàng với giá rẻ, chưa tìm hiểu kỹ đã ký hợp đồng nhập khẩu với các điều kiện lỏng lẻo, trong đó có “đặt cọc trước”. Sau khi doanh nghiệp nhập khẩu chuyển tiền đặt cọc rồi thì đại diện công ty xuất khẩu “biến mất” hoặc yêu cầu chuyển thêm tiền rồi “biến mất”.

“Hợp đồng cần được các bên trao đổi và có sự ràng buộc kỹ càng về mặt pháp lý, tránh các trường hợp lừa đảo hoặc chậm thanh toán. Đặc biệt chú trọng đến các vấn đề thanh toán, điều kiện giao nhận hàng nhằm đảm bảo tránh rủi ro xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Hợp đồng kinh tế cần được các bên tuân thủ sát sao, tránh vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại đối với doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu quốc gia”, ông Dương Hoàng Minh nói.

TUẤN VỸ