Doanh nghiệp

Quản lý doanh nghiệp Nhà nước theo dòng vốn

NGUYỄN VIỆT thực hiện 05/08/2024 01:00

Quản lý doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) theo dòng vốn sẽ góp phần tăng cường tính trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.

GS NGÔ THẮNG LỢI
GS.TS. Ngô Thắng Lợi, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Đó là chia sẻ của GS.TS. Ngô Thắng Lợi, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, với DĐDN xung quanh đề xuất của Bộ Tài chính về việc quản lý DNNN theo dòng vốn đầu tư, thay vì quản lý pháp nhân.

- Bộ Tài chính vừa đề xuất quản lý DNNN theo dòng vốn đầu tư, thay vì quản lý theo pháp nhân. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

Trước đây, cơ quan quản lý vốn Nhà nước trong doanh nghiệp có chức năng quản lý khá toàn diện không chỉ dòng vốn, mà còn quản lý nhiều hoạt động khác của doanh nghiệp.

Để cải cách nội dung này, trong dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất chuyển đổi quản lý DNNN từ quản lý doanh nghiệp sang quản lý dòng vốn. Tôi cho rằng đây là đề xuất có ý nghĩa “hai trong một”.

Thứ nhất, nhằm đảm bảo đúng tính chuyên nghiệp của cơ quan quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đó là, chỉ tập trung quản lý dòng vốn, tạo điều kiện bảo toàn vốn, nâng cao hiệu quả dòng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn.

Thứ hai, việc không can thiệp ở góc độ pháp nhân vào các doanh nghiệp là tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các quyền chủ động kinh doanh của các DNNN nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong doanh nghiệp.

Đây là bước đổi mới khá căn bản, nhưng để làm được thì cần thể chế hóa rõ ràng, chặt chẽ về quản lý dòng vốn của cơ quan quản lý vốn Nhà nước và chức năng điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để hai nội dung này không mâu thuẫn, gây khó cho nhau.

- Tuy nhiên, có một số DNNN tỏ ra lo lắng trước việc siết chặt quản lý dòng tiền đầu tư của Nhà nước. Bởi, nếu “vốn chảy đến đâu, quản lý đến đó” sẽ nảy sinh nhiều thủ tục trong đầu tư, kinh doanh, thưa ông?

Đúng là khi thực hiện chức năng quản lý dòng vốn Nhà nước trong doanh nghiệp, thì bắt buộc quản lý tất cả các dòng vốn của Nhà nước, không chỉ có các F1, mà cả F2, F3 đến Fn.

Nhưng đây không phải là việc siết chặt quản lý dòng vốn đầu tư của Nhà nước, mà thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý vốn, bảo đảm tính minh bạch, công khai, cân đối việc lên kế hoạch vốn, quản lý dòng vốn, quản lý tổ chức sử dụng; kiểm tra, giám sát trách nhiệm giải trình của tất cả các đơn vị sử dụng vốn của Nhà nước.
Các thủ tục phát sinh chỉ liên quan đến quản lý và khơi thông dòng vốn của Nhà nước, đúng kỷ luật tài chính của Nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước.

quan ly von
Tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức trong tháng 7/2024.

Mặc dù Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường quản lý dòng vốn, nhưng không đồng nhất với việc siết chặt quản lý mà vẫn có “sân chơi” về quyền chủ động của DNNN.

- Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thể hiện sự linh hoạt, thích ứng với thị trường, trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi lại vốn Nhà nước. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi đồng ý với quản điểm này. Bởi vì, khi chỉ quản lý dòng vốn thì quan hệ giữa đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước với các DNNN rõ ràng hơn, tức là chỉ liên quan đến dòng vốn của Nhà nước được sử dụng hiệu quả như thế nào.

Do đó, khi quy định trách nhiệm hay chức năng của đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước với doanh nghiệp thì chỉ liên quan đến các nội dung như trên, bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch trong trong xác định quyền hạn, trách nhiệm, không có lý do để can thiệp sang các nội dung khác trong hoạt động của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp sẽ phát huy được tính chủ động trong kinh doanh, thích ứng với điều kiện thị trường.

- Ông có kiến nghị gì để đề xuất quản lý DNNN theo dòng vốn được thực hiện hiệu quả?

Có thể nghiên cứu để đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn theo nguyên tắc “vốn đến đâu, quản lý đến đó”, nhưng xem xét nên quản lý các dòng vốn của các F2, F3, F4… đối với các đối tác (các F2 trở đi) có vốn Nhà nước chiếm từ 51% trở lên.

Còn các Fn sử dụng vốn Nhà nước, nhưng tỷ trọng nhỏ thì có thể giao quyền cho các F1 chịu trách nhiệm, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ quản lý dòng vốn đó qua đại diện F1 và các tổ chức khác như kiểm toán, chính quyền địa phương…

Cơ quan đại diện chủ sở hữu nên cắt giảm bớt một số nội dung liên quan đến tài chính, nhưng thể hiện quyền chủ động hơn của doanh nghiệp và thể hiện được quyền của các tổ chức đại diện người lao động trong doanh nghiệp, như chính sách trả lương, thưởng...

Nghiên cứu tăng tỷ lệ lợi nhuận trích nộp quỹ phát triển sản xuất của doanh nghiệp, để làm tăng tính chủ động sử dụng vốn này cho doanh nghiệp trong việc chủ động phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện các phương án mở rộng sản xuất.

Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN VIỆT thực hiện