Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại Quảng Nam
Đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động triển khai các dự án dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, tỉnh Quảng Nam sẽ rà soát từng dự án, tập trung nguồn lực,... tăng tỷ lệ trong giai đoạn cuối năm.
Tổng vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Quảng Nam là 8.884.464 triệu đồng, trong đó kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 7.056.868 triệu đồng (ngân sách trung ương 2.194.975 triệu đồng, ngân sách địa phương 4.861.893 triệu đồng), kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 là 1.827.596 triệu đồng.
Nhiều khó khăn trong hoạt động đầu tư công
Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam tại Báo cáo số 358/BC-KBQN ngày 09/7/2024, tính đến hết ngày 30/6/2024, vốn đầu công năm 2024 (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) giải ngân 2.093.345 triệu đồng, đạt 23,6% so tổng vốn đầu tư công năm 2024 sau điều chỉnh. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 giải ngân 1.654.834 triệu đồng đạt 23,4%), kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài giải ngân 438.511 triệu đồng (đạt 24%).
Đồng thời, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 giải ngân 1.654.834 triệu đồng, đạt 23,4% so với kế hoạch vốn sau điều chỉnh, đạt 24%, so với kế hoạch vốn UBND tỉnh giao từ đầu năm, đạt 25,4% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Về nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ giải ngân đạt thấp, tỉnh Quảng Nam cho rằng xuất phát từ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, lực lượng làm công tác giải phóng mặt bằng hạn chế,... Ngoài ra, còn thiếu sự tích cực phối hợp giữa chủ đầu tư và địa phương, dẫn đến việc giải phóng mặt bằng kéo dài thời gian làm chậm tiến độ thực hiện dự án và giải ngân.
Cùng với đó, Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, tuy nhiên đến ngày 27/02/2024 Chính phủ mới ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Đấu thầu, vì vậy những tháng đầu năm 2024 việc phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu rất hạn chế, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung. Nguồn thu sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Quảng Nam là 2.700 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh đưa vào cân đối là 1.072 tỷ đồng, tuy nhiên nguồn thu tiền sử dụng đất không mấy khả quan, khả năng sẽ không thu được so với dự toán được giao, vì vậy không có nguồn vốn để phân bổ và giải ngân.
Đối với các dự án sử dụng Ngân sách trung ương chuyển tiếp phải hoàn thành năm kế hoạch (năm 2024), theo quy định phải bố trí đủ vốn cho dự án từ đầu năm. Dẫn đến trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp các dự án này có tỉ lệ giải ngân chậm vẫn không thể thực hiện điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 để chuyển sang các dự án khác có tỉ lệ giải ngân tốt
Ngoài ra còn có nguyên nhân từ đơn giá vật liệu xây dựng trong thời gian vừa qua biến động (tăng) quá lớn, nguồn cung hạn chế, ác dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài do công tác xem xét và chấp thuận của nhà tài trợ đối với các thủ tục đầu tư lâu nên công tác giải ngân rất chậm,...
Giải pháp nào đẩy nhanh công tác giải ngân?
Để thúc đẩy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát công tác giải ngân của từng dự án cụ thể có tỷ lệ giải ngân, tập trung nguồn lực, ưu tiên phân bổ đủ vốn để triển khai hoàn thành trước công tác giải phóng mặt bằng của các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Đối với các huyện, thị xã, thành phố, nghiên cứu giao chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công cho từng chủ đầu tư với mỗi tháng tăng tối thiểu hơn 10% tổng kế hoạch vốn năm, xem đây là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 của tổ chức, cá nhân được phân công.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu: “Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả giải ngân vốn đầu tư công hằng năm đối với các chương trình, dự án do đơn vị, địa phương mình quản lý”.
Mới đây, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tham mưu điều chuyển kế hoạch vốn trong nội bộ chủ đầu tư và tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét điều chuyển kế hoạch vốn giữa các chủ đầu tư. Đồng thời, rà soát các tồn tại, vướng mắc liên quan đến việc triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn để hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn, tham mưu cấp thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn hằng năm thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn.
“Rà soát các dự án có tỷ lệ giải ngân 0% và dưới mức bình quân chung toàn tỉnh theo Báo cáo số 296/BC-KBQN ngày 13/6/2024 của Kho bạc Nhà nước tỉnh để làm việc, đôn đốc các chủ đầu tư, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư”, ông Hồ Quang Bửu yêu cầu.
Ngoài ra, ông Bửu cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực hỗ trợ cho các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sở này cũng phải phối hợp với các các đơn vị liên quan để đề xuất, tham mưu cấp thẩm quyền bổ sung các dự án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo, đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.