“Đại gia" xăng dầu miền Tây PSH lỗ kỷ lục
Việc nợ thuế khủng kéo dài khiến PSH bị các Cục thuế cưỡng chế hóa đơn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, dẫn đến doanh nghiệp lỗ nặng hàng trăm tỷ đồng.
Theo đó, báo cáo tài chính quý II/2024 của Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HoSE: PSH) ghi nhận sụt giảm mạnh 92% so với cùng kỳ năm 2023, xuống chỉ còn 46 tỷ đồng. Mặc dù, giá vốn cũng giảm mạnh 68% so với cùng kỳ, xuống còn 123 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp ngành kinh doanh xăng dầu này vẫn chịu lỗ gộp 73 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 234 tỷ đồng.
Không những vậy, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp kỳ này ghi nhận âm 0,6 tỷ đồng, cùng kỳ đạt hơn 7 tỷ đồng, trong khi đó, chi phí cho hoạt động này lại tăng mạnh 70% so với cùng kỳ, lên 232 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp này lỗ nặng 344 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ hàng quý lớn nhất của doanh nghiệp này kể từ năm 2018.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu giảm cộng với việc tăng mạnh chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, PSH ghi nhận doanh thu thuần giảm 88% so với cùng kỳ, xuống còn 525 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhập lỗ 374 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi 266 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của PSH giảm nhẹ so với đầu năm, đạt hơn 10.844 tỷ đồng, trong đó, hơn 6.028 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn. Phần lớn là tồn kho, ghi nhận gần 4.663 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm. Lượng tiền mặt nắm giữ giảm mạnh, chỉ còn gần 5,6 tỷ đồng (đầu năm hơn 24 tỷ đồng).
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là hơn 9.626 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn của doanh nghiệp này chiếm phần lớn tổng nợ phải trả, ghi nhận hơn 7.763 tỷ đồng, tăng 16% so với hồi đầu năm. Nợ vay ngắn hạn (nợ vay ngân hàng) hơn 5.515 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Doanh nghiệp còn hơn 1.411 tỷ đồng nợ vay dài hạn, trong đó có gần 757 tỷ đồng nợ trái phiếu, còn lại là nợ ngân hàng.
Liên quan đến việc chứng khoán bị cảnh báo, ngày 31/7 vừa qua, PSH cũng đã đưa ra biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng này.
Doanh nghiệp cho biết, ngày 27/06/2024 Công ty đã ký kết Hợp đồng tín dụng với đối tác là Tổ chức tài chính Acuity Funding, đơn vị Hợp tác tài trợ vốn cho Công ty phát triển các Dự án trong và ngoài địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đẩy nhanh tiến độ các Dự án đưa vào hoạt động tăng nguồn doanh thu cho Công ty.
PSH cho rằng, với nguồn tài trợ tín dụng dài hạn 20 năm của Tổ chức Acuity Funding sẽ hỗ trợ rất nhiều cho Công ty trong việc tái cơ cấu thanh toán các khoản nợ thuế, nợ trái phiếu, bổ sung vốn lưu động... còn tồn đọng hiện nay.
Ngày 25/07/2024 Đại hội đồng cổ đông Công ty đã thông qua Phương án chấp thuận khoản vay bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản và uỷ quyền cho Hội đồng quản trị triển khai các công việc liên quan.
Thời điểm hiện tại Công ty cơ bản đã hoàn tất các thủ tục cho khoản vay, còn hoàn thiện một số hồ sơ với Tổ chức Acuity Funding, kế hoạch nguồn vay sẽ được giải ngân vào giữa quý III/2024, từ đó Công ty đã có lộ trình khắc phục các khoản nợ kỳ báo cáo 31/12/2023:
Thứ nhất, đối với số tiền bị cưỡng chế tại Cục thuế tỉnh Hậu Giang là hơn 1.139 tỷ đồng, thời hạn khắc phục là tháng 8/2024;
Thứ hai, đối với số tiền bị cưỡng chế tại Cục thuế TP Cần Thơ là hơn 92,5 tỷ đồng, công ty cũng đưa lộ trình khắc phục là tháng 8/2024;
Thứ ba, đối với hàng hóa gửi tại Công ty CP Dầu khí Đông Phương số tiền hơn 131 tỷ đồng, doanh nghiệp sẽ kiểm kê đầy đủ vào kỳ báo cáo soát xét bán niên 6 tháng đầu năm 2024.
“Sau khi khắc phục những vấn đề tồn đọng nêu trên, các Cục thuế sẽ gỡ cưỡng chế hóa đơn, khi đó Công ty sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh và xuất hóa đơn bán hàng đầy đủ theo quy định”, lãnh đạo PSH khẳng định.