Sửa Luật Hóa chất: Phân định rõ các loại hóa chất nguy hiểm, độc hại
Để đảm bảo phù hợp và có tính khả thi khi triển khai trong thực tiễn, góp ý Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần phân định rõ các loại hóa chất nguy hiểm, độc hại…
Theo đó, bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 16 năm thi hành, Luật Hóa chất năm 2007 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Các quy định đối với dự án hóa chất chủ yếu tập trung vào các yêu cầu đảm bảo an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường, chưa đề cập đến các yêu cầu về công nghệ, định hướng phát triển ngành, chất lượng sản phẩm hay các yêu cầu về hóa học xanh và phát triển bền vững; chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn và có tính ổn định để thu hút đầu tư trong hoạt động hóa chất…
Không chỉ có vậy, việc thi hành pháp luật về quản lý hóa chất được cho còn lỏng lẻo, nhiều hóa chất nguy hiểm bị sử dụng sai mục đích gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Nhiều đơn vị xem nhẹ các quy định về an toàn hóa chất, không thực hiện hoặc thực hiện đối phó, hình thức, chưa đảm bảo công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất. Giữa các cơ quan quản lý còn thiếu cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về công tác quản lý hóa chất.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu, Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) được bố cục thành 10 Chương với 89 Điều, phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về hoạt động hóa chất, phát triển công nghiệp hóa chất, hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, an toàn trong hoạt động hóa chất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất, quản lý Nhà nước về hóa chất.
Đối tượng áp dụng của Luật Hóa chất (sửa đổi) bao gồm: Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động hóa chất hoặc tham gia đầu tư, xây dựng dự án hóa chất, cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động hóa chất trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhìn nhận xoay quanh vấn đề này, không ít ý kiến cho hay, việc sửa đổi Luật Hóa chất trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực đã được Dự thảo Luật (sửa đổi) đề xuất, cần có chiến lược phát triển ngành Công nghiệp hóa chất một cách bền vững; ưu tiên phát triển ngành thì cần đưa ra các tiêu chí đặc trưng, danh mục các hóa chất trọng điểm. Bên cạnh đó, cần có sự tư vấn, thiết kế và thẩm định thiết kế, nhằm phân định rõ đối với các loại hóa chất.
Theo ông Đỗ Quang Huy - Phó Chủ tịch Hội các phòng Thử nghiệm Việt Nam, đối với hóa chất tồn dư, chất độc hóa học thì nên tách ra làm 2 loại là hóa chất tồn trữ và tồn dư. Bởi sau chiến tranh, vẫn còn nhiều hóa chất tồn dư và tồn trữ ở các bến bãi, nhà kho mà cơ quan chức năng và địa phương vẫn chưa phát hiện ra. Bộ Quốc phòng có thể lập kế hoạch, quy trình xử lý đặc biệt, trình Chính phủ phương án xử lý các loại hóa chất tồn trữ. Còn với hóa chất tồn dư ở trong môi trường thì nên theo quy trình xử lý như cơ quan, đơn vị đang thực hiện là đúng.
Còn theo đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Ban soạn thảo Dự án Luật cần phân định các loại hóa chất, bởi có những loại hóa chất rất thiết thực với đời sống xã hội và loại hóa chất độc hại. Những hóa chất nguy hiểm, độc hại như axit, xyanua... ảnh hưởng đến sức khỏe con người cần được nghiêm cấm sử dụng phải được ghi rõ ở trong Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Bên cạnh đó, đối với các hành vi bị cấm, tại khoản 4 Điều 7 nêu rõ: Cấm sử dụng hóa chất thuộc danh mục không được phép sử dụng để sản xuất và bảo quản thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sản phẩm hóa chất tiêu dùng.
“Thế nhưng, trong nội dung này lại không quy định các loại biệt dược như thuốc ngủ không được bác sĩ kê đơn hay các tinh chất chiết suất để chế biến thành các loại heroin, ma túy là hành vi bị cấm. Do vậy, Ban soạn thảo Dự án Luật cần đưa các biệt dược như trên vào các hành vi bị cấm sử dụng”, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị.
Ngoài các vấn đề đã nêu, góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), nhiều ý kiến cũng đề xuất cần gắn với các tiêu chí, tiêu chuẩn của hóa chất trong các lĩnh vực với những cam kết hiện nay để làm rõ hơn những việc cần triển khai nhằm thuận tiện hơn trong công tác quản lý. Đồng thời cũng cần làm rõ hơn về hệ thống thông tin và cảnh báo về hóa chất độc hại, nguy hiểm nhằm bảo vệ cộng đồng tốt hơn.
Được biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2024.