Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp FDI đầu tư thành công và phát triển bền vững
Thời gian qua, trong số những điểm đến mà các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn để đầu tư, thì Hải Dương cũng đang nổi lên như một “địa chỉ đỏ” thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Địa chỉ đỏ
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, 7 tháng năm 2024 tỉnh Hải Dương thu hút được 41 dự án sản xuất, kinh doanh có vốn đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký 172,8 triệu USD, tăng 3 dự án so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 32 dự án FDI trong khu công nghiệp với số vốn 163,9 triệu USD và 9 dự án ngoài khu công nghiệp.
Ngoài dự án mới, tỉnh Hải Dương còn điều chỉnh tăng vốn cho 19 lượt dự án có tổng vốn tăng là 58,9 triệu USD và bổ sung 18 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị góp vốn 3,9 triệu USD.
Đến hết tháng 7, Hải Dương có 574 dự án FDI còn hiệu lực, có tổng vốn đầu tư hơn 10,5 tỷ USD đến từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng vốn đã triển khai thực hiện gần 8,8 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI thu hút khoảng 230.000 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp.
Theo ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương: Với phương châm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại địa phương. Quan điểm của Hải Dương là thay vì chờ nhà đầu tư đến với mình, Hải Dương luôn chủ động, tích cực, tập trung tiếp cận tổ chức, cá nhân có sức ảnh hưởng và có vai trò quyết định.
Hải Dương cũng đã tập trung hoàn thành các kế hoạch sử dụng đất đai, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đất đai, đầu tư, xây dựng. Hơn nữa, quỹ đất công nghiệp của Hải Dương còn nhiều, đáp ứng được nhu cầu xây dựng các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, giá thuê cũng cạnh tranh so với một số địa phương lân cận như Hưng Yên, Hải Phòng.
Biểu tượng thu hút FDI thành công của Hải Dương
Năm 1995, liên doanh Ford Việt Nam bắt đầu xây dựng nhà máy lắp ráp ở cửa ngõ của TP Hải Dương. Dây chuyền sản xuất của Ford ở Hải Dương bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu quý IV/1997.
Khởi đầu, Ford Hải Dương có công suất thiết kế 14.000 xe/năm, với đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng ISO. Tính đến hết tháng 2/2008, Ford Việt Nam lắp ráp hơn 35.000 xe ô tô. Cùng sự lớn mạnh của thị trường, vị trí của Ford Việt Nam trên bản đồ thế giới ngày càng được củng cố.
Để khẳng định vai trò này, năm 2020 Ford Việt Nam nhận được gói đầu tư mở rộng trị giá hơn 2.000 tỷ đồng để nâng cấp Nhà máy Ford Hải Dương, đưa công suất lên mức 40.000 xe/năm.
“Dây chuyền được nâng cấp cho phép Nhà máy Ford Hải Dương lắp ráp những dòng xe hiện đại, tiêu biểu như Ranger, Territory thế hệ mới, đồng thời sẵn sàng cho các dòng sản phẩm trong tương lai”, ông Ruchik Shah, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam chia sẻ.
Sau hơn 1/4 thế kỷ hoạt động, Nhà máy Ford tại Hải Dương đã liên tục cập nhật dây chuyền sản xuất, cho ra đời nhiều dòng sản phẩm làm nên thương hiệu của Ford tại Việt Nam như Trader, Transit, Ranger, Escape, Everest, Laser, Fiesta, Focus…
Ford Việt Nam không chỉ là một trong số những doanh nghiệp đầu tầu của công nghiệp Hải Dương, mà còn có nhiều giải pháp sáng tạo trong quản trị. Văn phòng làm việc mở là một khái niệm hoàn toàn mới đã được áp dụng. Nhân viên văn phòng có thể làm việc bên ngoài không gian vật lý cứng nhắc, khách hàng được tư vấn, chọn sản phẩm mà không phải đến các cửa hàng, đại lý. Các hoạt động dịch vụ thực hiện tại địa điểm lựa chọn của khách hàng thay vì các cơ sở cố định. Mô hình này đã mang đến những kết quả tích cực. Thay đổi trên nguyên tắc hướng tới khách hàng và mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng đã giúp doanh nghiệp vững vàng ngay cả trong thời điểm đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn hay những biến động từ kinh tế thế giới.
Năm 2023 là năm khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối tại thị trường ô tô tại Việt Nam, chứng kiến sự sụt giảm liên tục về doanh số. Ước tính doanh số toàn thị trường năm 2023 giảm gần 30% so với năm 2022. Bối cảnh toàn cầu tiếp tục thử thách toàn ngành ô tô về khả năng thích ứng và phát triển trong một môi trường không ngừng biến động.
Không chỉ cải tiến, nâng cao công nghệ và kỹ thuật, Ford Hải Dương cũng đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Từ 40 kỹ thuật viên những ngày đầu, đến nay nhà máy đang có hơn 1.200 cán bộ, công nhân viên. Dù là ngành công nghiệp nặng, yếu tố bình đẳng giới vẫn luôn được Ford Hải Dương chú trọng. Hơn 20% số lao động tại nhà máy là nữ, không ít nữ cán bộ, nhân viên đang giữ những chức vụ quan trọng. Ford Việt Nam không chỉ là một thương hiệu mạnh trong ngành sản xuất, lắp ráp, phân phối ô tô toàn cầu, mà còn là một biểu tượng trong thu hút đầu tư FDI thành công của Hải Dương.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của khối doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) tại Hải Dương đạt 4,5 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 4,2 tỷ USD, tăng 38,8%, nhập khẩu đạt 3 tỷ USD, tăng 20% so với cùng thời điểm năm 2023. Các doanh nghiệp FDI nộp ngân sách nhà nước 240 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Hải Dương có 566 dự án FDI còn hiệu lực đến từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 10,5 tỷ USD. Trong đó vốn đầu tư thực hiện đạt gần 9 tỷ USD. Hiện có 485 dự án hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm trực tiếp cho 230.000 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp.
Được biết năm 2024, Hải Dương phấn đấu thu hút 500 triệu USD vốn FDI, vốn đầu tư thực hiện 850 triệu USD. Doanh thu của các doanh nghiệp FDI đạt 9 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 500 triệu USD.