Quản trị

Tái cấu trúc cứng doanh nghiệp

QUÂN BẢO 05/08/2024 00:29

Khi điện thoại bị lỗi nặng, một cách thường được dùng là cài đặt lại. Tương tự vậy, khi một doanh nghiệp gặp phải khó khăn, họ có thể bỏ hết hoàn toàn cái cũ làm lại cái mới.

Người ta gọi đó là tái cấu trúc cứng (hard reset) - một bước đi mạnh tay và đã chứng minh được tính hiệu quả trong nhiều trường hợp.

Dell “đập đi xây lại”

costar.brightspotcdn.jpg
Dell Technologies, tên giao dịch mới của hãng

Trong những năm 2000, Dell là hãng máy tính cá nhân (PC) lớn nhất thế giới. Tuy nhiên tình hình kinh doanh dần không ổn với sự xuất hiện của máy tính xách tay (laptop). Thị trường chia ra làm hai cực: một bên là những dòng laptop cao cấp, một bên là Chromebooks giá rẻ. Không có nhiều thị phần cho những sản phẩm tầm trung như Dell.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi mảng kinh doanh máy chủ và lưu trữ, một nguồn doanh thu lớn khác của Dell, ngày càng trở nên lỗi thời trong cơn sốt điện toán đám mây và Internet of Things (IoT).

Trong tình thế ấy, người sáng lập Michael Dell quyết định quay trở lại công ty và “đập đi xây lại” một Dell khác. Bước đầu tiên của họ là đưa mô hình công ty trở về công ty tư nhân để có thể thực hiện những thay đổi lớn mà không bị giám sát của thị trường cộng đồng.

Một nhóm nhỏ, với sự lãnh đạo của Michael Dell, đã chuyển trọng tâm của công ty đi theo xu hướng công nghệ của thế giới. Dell Technologies, tên giao dịch mới của hãng, nhận định rằng tương lai của dịch vụ công nghệ thông tin B2B sẽ xoay quanh dữ liệu. Vậy nên họ chuyển trọng tâm từ việc làm máy PC sang tập trung phát triển mảng dữ liệu và trở thành một trong những công ty cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu lớn nhất.

Họ vẫn làm máy tính nhưng sản phẩm chủ lực bây giờ là những sản phẩm hiệu quả trong lưu trữ, dịch vụ dữ liệu, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và gói thuê bao quản lý đám mây. Những thứ này giúp Dell đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) 6,6%, cao hơn mức bình quân dưới 5% của ngành công nghệ thông tin.

Không chỉ Dell, mà còn nhiều cái tên khác như IBM, Burberry hoặc Tesco đều từng đập đi xây lại từ đầu và ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.

Tái cấu trúc cứng

22.jpg
Khi một công ty gặp phải khó khăn, họ có thể bỏ hết hoàn toàn cái cũ làm lại cái mới

Đâu là những dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp cần làm lại từ đầu?

Thứ nhất, bối cảnh kinh doanh thay đổi sâu sắc. Thứ hai, đa số những thông tin về môi trường kinh doanh đã không còn đúng. Thứ ba, lợi thế cạnh tranh hiện tại đã suy yếu, lợi thế trong quá khứ cũng không đem lại nhiều khác biệt. Thứ tư, những giả định trước đây về tệp khách hàng tiềm năng, cách bán hàng, cách tiếp cận thị trường đã không còn giá trị. Thứ năm, những giải pháp của công ty không còn phản ánh hoặc giải quyết được tình huống mà công ty đang gặp phải.

Để cải tổ hoàn toàn, doanh nghiệp cần đảm bảo một số bước quan trọng như sau:

Tập trung và thiết lập lại đội ngũ: Cải tổ doanh nghiệp không dành cho những người yếu tim. Sẽ có nhiều thành viên không muốn theo đuổi con đường này, sẽ có người ra đi. Tốt nhất là nên bắt đầu từ một nhóm nhỏ, những người ủng hộ việc thiết lập lại. Từ đó dần dần mở rộng đội ngũ trong quá trình thử nghiệm và học hỏi. Như Dell phải đưa về thành công ty tư nhân mới có thể thực hiện được tái cấu trúc cứng.

Xoáy kỹ các câu hỏi chiến lược: Nếu mô tả một cách đơn giản nhất, thiết lập lại doanh nghiệp là một quá trình liên tục hỏi và trả lời những câu hỏi về chiến lược kinh doanh. Ở đây, doanh nghiệp cần tập trung vào những câu hỏi, những thông tin như lợi thế mà doanh nghiệp đang có, những lợi thế có thể củng cố và phát triển trong tương lai, những tài sản doanh nghiệp có thể cải thiện, những thương vụ mua bán. Điều quan trọng là phải trả lời những câu hỏi này dựa trên niềm tin về xu hướng kinh doanh mà công ty sẽ theo đuổi khi đổi mới.

4.jpg
Cải tổ doanh nghiệp không dành cho những người yếu tim

Đặt ra những cột mốc quan trọng: Trong quá trình thiết lập lại, doanh nghiệp phải đặt ra những cột mốc quan trọng trong vòng 3 tháng để hướng tới thành công trong 6 tháng. Sau đó giới hạn những cột mốc này trong tối đa 10 nhiệm vụ, mỗi nhiệm vụ có người thực hiện và hạn chót rõ ràng, cũng như cần được theo dõi tiến độ chặt chẽ. Một điều cần chú ý là phải thực tế, phải đặt ra những cột mốc có thể thực hiện được, tránh đưa những chiến thuật vận hành đơn thuần vào danh sách này.

Xác định trọng tâm thay đổi: Một cuộc cải tổ thành công đòi hỏi doanh nghiệp phải xác định được trọng tâm thay đổi. Đó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Muốn xác định đúng trọng tâm, doanh nghiệp cần thử nghiệm nhiều giả định và thu thập các thông tin phù hợp. Một khi đã nắm được trọng tâm thay đổi, doanh nghiệp cần lấy đó làm nền tảng để thực hiện cải tổ.

Có thể nói đây là bước quan trọng nhất trong quá trình cải tổ toàn diện. Chẳng hạn, IBM đã cải tổ thành công nhờ xác định đúng trọng tâm. Thừa nhận rằng IBM lạc lối trong cuộc chơi công nghệ, đội ngũ IBM cũng biết rằng mình không phải là công ty giỏi nhất trong bất kỳ lĩnh vực nào, nhưng họ biết khách hàng sẽ thích một gói giải pháp công nghệ hoạt động trơn tru cùng nhau thay vì chọn ra từng công ty cho mỗi công nghệ. Vì vậy, IBM đã quyết định từ bỏ mảnh chính của mình, sản xuất máy tính (bán cho Lenovo), và chuyển đổi thành một công ty cung cấp các giải pháp tích hợp cho những công ty khác. Và họ đã thành công.

Trong kinh doanh, việc đập đi xây lại từ đầu không bao giờ là điều xấu. Nó đã giúp nhiều công ty "thay da đổi thịt" và tăng trưởng ấn tượng. Muốn thay đổi doanh nghiệp, chính bản thân người lãnh đạo cũng phải thay đổi tư duy. Phải biết bỏ qua những kiến thức, những thông tin, những niềm tin về mô hình kinh doanh cũ và chuẩn bị kinh thần kiểm tra những giả định mới, giống như việc xây dựng một công ty mới hoàn toàn.

QUÂN BẢO