Kinh tế

Công nghiệp chế biến, chế tạo “trở lại” dẫn dắt nền kinh tế

NGUYỄN VIỆT 05/08/2024 19:53

Sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ so với năm 2023, đang có đà tiếp tục tăng trưởng tích cực. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở lại đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá về tiến độ phục hồi và tăng trưởng của ngành công nghiệp tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024, chiều 5/8.

phan thị thắn
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng.

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, tình hình phục hồi công nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2024, có rất nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.

Đơn cử, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) tháng 7/2024 ngành sản xuất đạt 54,7 điểm, tăng 4 tháng liên tục và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2018. Tốc độ tăng sản lượng sản xuất công nghiệp tháng 7 cao hơn tháng 6 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2011.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) sau 7 tháng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, là mức lũy kế cao nhất kể từ tháng 2/2024 đến nay, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 9,5%.

“Sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng ở 60/63 địa phương trong tháng 7, chỉ có 3 địa phương ghi nhận giảm. Một số địa phương có mức tăng trưởng cao như Khánh Hòa, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh…”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nói.

Đặc biệt, chỉ số tiêu thụ lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao giúp kéo giảm chỉ số tồn kho so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước như thép thanh, thép góc, vải dệt từ sợi tự nhiên, thép cán, phân hỗn hợp NPK, điện sản xuất…

“Những kết quả tăng trưởng của công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng nêu trên đã phản ánh một bức tranh rất tích cực của nền sản xuất trong nước”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng bày tỏ.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ so với năm 2023, đang có đà tiếp tục tăng trưởng tích cực. “Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở lại đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng ở hầu hết các địa phương trên cả nước, đặc biệt là các địa phương có vai trò trọng điểm trong phát triển công nghiệp.

Bên cạnh đó, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước đã khôi phục rất tích cực và sẵn sàng để tận dụng những cơ hội tiếp cận các thị trường mới trong thời gian tới.

“Niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài được củng cố mạnh mẽ nhờ những tín hiệu tích cực trong tăng tưởng sản xuất công nghiệp các tháng đầu năm 2024 vừa qua”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng chia sẻ.

Nhận định về việc đạt được kết quả trên, theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng có 5 nguyên nhân chính.

Toàn cảnh cuộc họp báo.
Toàn cảnh cuộc họp báo.

Thứ nhất, hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm.

Thứ hai, kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI khả quan giúp tăng thêm năng lực cho sản xuất trong nước.

Thứ ba, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng các Hiệp hội, doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết trong bối cảnh thị trường thế giới phục hồi, các đơn hàng xuất khẩu tăng trưởng tích cực trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da - giày, điện tử, chế biến thực phẩm.

Thứ tư, các kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại về kinh tế, đặc biệt với các đối tác thương mại lớn của nước ta như Mỹ, Trung Quốc... giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Thứ năm, năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước, được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (tín hiệu mới tích cực khi doanh nghiệp trong nước tăng trưởng xuất khẩu gần gấp 2 lần doanh nghiệp FDI) và niềm tin đó được củng cố nhờ môi trường kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và xu hướng phục hồi của thị trường thế giới.

Bên cạnh thành công, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng ghi nhận còn có 4 thách thức mà nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng sẽ phải đối diện trong thời gian tới.

Một là, mặc dù đã được cải thiện nhưng nội lực của các ngành sản xuất trong nước vẫn còn yếu. Những điểm nghẽn lớn của công nghiệp trong thời gian dài vừa qua vẫn chưa được khắc phục một cách hiệu quả. Nền sản xuất vẫn phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là phụ thuộc vào khu vực FDI.

Giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp trong nước còn thấp. Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển. Chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp nội địa có hàm lượng công nghệ cao.

Hai là, sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện. Trong 7 tháng đầu năm 2024, còn 3/63 địa phương có IIP giảm. Một số ngành sản xuất chủ lực vẫn giảm so với cùng kỳ - như điện thoại thông minh, tivi, ô tô, sắt thép thô…

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như giày dép, gỗ, điện thoại các loại và linh kiện…mặc dù phục hồi tích cực song vẫn chưa về lại mức đỉnh của cùng kỳ năm 2022.

Ba là, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu.

"Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như EU và Mỹ tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật", Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Bốn là, trong nước, thị trường bất động sản vẫn phục hồi khá chậm. Thị trường trong nước tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ. Chỉ số giá trong nước chịu áp lực tăng sau khi thực hiện một số chính sách mới.

NGUYỄN VIỆT