Giải pháp khắc phục dự án treo
Nghị định 102/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024.
Dự án “đắp chiếu” sẽ bị thu hồi đất
Theo Nghị định 102, việc thu hồi đất đối với người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước được áp dụng như sau: Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước quy định tại khoản 6 Điều 81 Luật Đất đai là trường hợp người sử dụng đất không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế nhưng không chấp hành thì cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị thu hồi đất.
Cơ quan thuế có trách nhiệm gửi thông báo trường hợp nêu trên kèm theo tài liệu có liên quan đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai để làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền thu hồi đất. Trình tự, thủ tục thu hồi đất thực hiện theo quy định dưới đây.
Nghị định nêu rõ, trường hợp hành vi vi phạm phải xử phạt vi phạm hành chính thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về kiến nghị thu hồi đất do người sử dụng đất vẫn tiếp tục vi phạm, cơ quan có chức năng quản lý đất đai trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất quy định tại Điều 83 Luật Đất đai.
Đối với các hành vi vi phạm không phải xử phạt vi phạm hành chính thì việc thu hồi đất được tiến hành sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra có thẩm quyền về trường hợp phải thu hồi đất.
Sau khi nhận được văn bản và tài liệu của cơ quan có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày cơ quan có chức năng quản lý đất đai lập hồ sơ thu hồi đất trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có).
Người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm xử lý tài sản trên đất theo thời hạn quy định tại thông báo thu hồi đất kể từ ngày nhận được thông báo thu hồi đất nhưng không quá 45 ngày, trừ trường hợp nhà đầu tư mua lại tài sản gắn liền với đất của người có đất thu hồi thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo thu hồi đất, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm ban hành quyết định thu hồi đất và chỉ đạo việc tổ chức thực hiện quyết định thu hồi đất. Trường hợp người sử dụng đất không chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất.
Người có đất thu hồi có trách nhiệm chấp hành quyết định thu hồi đất; thực hiện bàn giao đất, giấy tờ về quyền sử dụng đất cho cơ quan, người có thẩm quyền được quy định tại quyết định thu hồi đất.
Cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ
Quy định nghiêm khắc này được cho sẽ góp phần tháo gỡ được vấn nạn dự án treo gây ra lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây chỉ là một trong số các “phương thuốc” cần thiết, và vẫn cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác để xử lý dứt điểm tình trạng trên
LS. Phạm Thanh Tuấn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) – Chuyên gia pháp lý bất động sản khẳng định: “do việc dự án chậm triển khai có từ nguyên nhân chủ quan (doanh nghiệp yếu kém về tài chính) hay nguyên nhân khách quan. Như vậy, muốn khắc phục được tình trạng dự án “quây tôn”, cần xử lý đồng bộ cả hai yếu tố trên”.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT đề xuất một giải pháp là thông qua công cụ thuế, đánh thuế sử dụng đất cao hơn nhiều vào các dự án treo, luỹ tiến theo thời gian bị "treo". Điều này có thể giúp tăng thu ngân sách và thúc giục các chủ đầu tư tích cực hơn trong hoàn thành dự án.
Bàn về đề xuất công khai minh bạch các dự án chậm tiến độ, ông Tuấn cho rằng đây là một biện pháp tích cực, mang tính “răn đe” đến các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố then chốt để giải quyết được tình trạng dự án chậm tiến độ.
“Điều cốt yếu là cần nâng cao chất lượng việc lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất và tháo gỡ các khó khăn pháp lý để việc triển khai dự án thật sự được thuận lợi”, vị luật sư chia sẻ.