Bình luận

“Siết” quy định giao mỏ khoáng sản: Cần chú trọng đến chính sách thuế, phí

HƯƠNG GIANG 08/08/2024 00:06

Muốn quản lý tốt nguồn tài nguyên, cần xây dựng chiến lược khai thác đối với từng loại tài nguyên; đồng bộ hóa chính sách quản lý tài nguyên, trong đó, chú trọng đến chính sách thuế, phí.

khai thac
Tổng cục Thuế đang triển khai nghiên cứu, xây dựng ứng dụng “Bản đồ số các mỏ khoáng sản” vào quản lý thuế.

Theo TS. Nguyễn Tấn Anh - Trưởng đại diện liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam tại TP.HCM, trước tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra phức tạp, gây thiệt hại lớn cho đất nước, thì việc “siết” các quy định giao mỏ khoáng sản tại các địa phương là nhiệm vụ cần làm ngay, nếu không sẽ gây nhiều hệ luỵ. Đây chính là vấn đề gốc dễ và đã từng được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đăng đàn với nhiều đề xuất, giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh trái phép khoáng sản.

Chú trọng thuế, phí

Cũng theo TS. Nguyễn Tấn Anh, việc quản lý nhà nước về cấp phép khai thác khoáng sản cần được siết chặt thông qua hình thức đấu giá, đấu thầu không chỉ giúp tăng tính minh bạch, công khai, mà còn góp phần hạn chế tối đa các vụ việc khai thác trái phép, vi phạm pháp luật.

“Đã đến lúc phải quy định cụ thể tỷ lệ phân bổ nguồn thu từ khai khoáng để bảo đảm sự công bằng cho những người dân tại địa phương có mỏ khoáng sản khai thác. Đồng thời, đưa ra các quy định, cơ chế giám sát công khai, minh bạch, trong đó, lưu ý về sự tham gia vào các quyết định quản lý của người dân - một công cụ giám sát nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc bảo đảm những vấn đề xã hội, dân sinh trong quá trình khai thác”, TS. Nguyễn Tấn Anh nhấn mạnh.

Song, để quản lý tốt nguồn tài nguyên, TS. Nguyễn Tấn Anh cho rằng cần xây dựng chiến lược khai thác đối với từng loại tài nguyên. Bên cạnh đó, khẩn trương đồng bộ hóa chính sách quản lý tài nguyên trong đó chú trọng đến chính sách thuế, phí... để tận thu ngân sách Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế- xã hội.

Đồng bộ hóa chính sách

Liên quan tới các giải pháp tận thu ngân sách trong quản lý khoáng sản, ông Hoàng Văn Quốc - Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Thành Trung cho rằng, giải pháp tốt nhất trong lúc này chính là “loại bỏ dần chơ chế xin cho” để tránh hiện tượng dựa vào mối quan hệ để móc ngoặc, lũng đoạn. Thay vào đó là chuyển sang hình thức “đấu giá, đấu thầu” để thể hiện tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các thành phần được tham gia một cách bình đẳng, góp phần đồng bộ hóa chính sách, quản lý tài nguyên.

“Khi áp dụng phương thức đấu giá, đấu thầu không chỉ giúp cho các cơ quan chức năng quản lý tốt hơn về mặt hành chính, mà còn giúp các cơ quan quản lý đánh giá được năng lực của các nhà thầu khi tham gia đấu giá, như: tài chính, nhân sự, công nghệ... Đặc biệt là đảm bảo được khâu thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả cao ngay từ khi mời thầu cho đến khi có kết quả trúng đấu giá, đấu thầu”, ông Quốc nói.

Tuy nhiên, ông Quốc cũng lưu ý, để làm tốt được điều này thì khâu định giá quyền khai thác khoáng sản là rất cần thiết và là nhiệm vụ then chốt. Song, ở khâu này khá phức tạp nên cần được nghiên cứu và quy định chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch trong luật. Song song đó, cần xem xét kỹ tại Luật Địa chất và khoáng sản ở khâu định giá quyền khai thác khoáng sản để đạt hiệu quả cao hơn và minh bạch hơn.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng nên sớm áp dụng phương thức đấu giá, đấu thầu đối với các mỏ khoáng sản ở các địa phương để đáp ứng nguồn cung VLXD phục vụ cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, cũng như các dự án đầu tư công tại địa phương. Sở dĩ phải đấu giá nhanh vì hiện nay, rất nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia đang rất cần một lượng lớn VLXD để phục vụ cho dự án nhưng lại không có. Mặc dù Chính phủ đã có cơ chế đặc thù cho các dự án này, thế nhưng vừa qua, các cơ quan chức năng vẫn phải đưa cả giải pháp nhập cát từ Campuchia, hay thử nghiệm cát biển để phục vụ cho các dự án là rất áp lực cho cả chủ đầu tư lẫn các đơn vị thi công. Do đó, giải pháp tối ưu để quản lý khoáng sản tốt nhất trong lúc này chính là: khẩn trương quy hoạch, đánh giá trữ lượng các mỏ khoáng sản để đưa ra đấu giá, đấu thầu, phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao về nguồn cung VLXD triển khai dự án cũng như nhu cầu xây dựng của người dân.

“Thành công từ các phiên đấu giá, đấu thầu sẽ mang nhiều lợi ích cho đất nước. Đồng thời thể hiện tính minh bạch, đúng đắn trong đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoáng sản cũng như phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và đúng theo quy định của Luật Khoáng sản. Không những vậy, hoạt động đấu giá, đấu thầu còn giúp giải quyết nhu cầu cát làm vật liệu xây dựng rất lớn trên địa bàn và khu vực lân cận, chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra trong thời gian dài làm thất thoát ngân sách nhà nước, tác động xấu đến môi trường và gây bức xúc trong nhân dân”, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả nêu.

HƯƠNG GIANG