Bình luận

Nâng cao trách nhiệm hoạt động kiểm toán độc lập

GIA NGUYỄN 07/08/2024 17:00

Mặc dù giữ một vai trò quan trọng, thế nhưng, thời gian qua đã có một số doanh nghiệp kiểm toán độc lập không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, bỏ qua sai sót đối với đối tượng kiểm toán, dẫn đến dẫn đến các sai phạm nghiêm trọng.

Vì vậy, để nâng cao trách nhiệm của hoạt động này, chia sẻ với DĐDN, luật sư Tạ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH EMME LAW cho rằng cần sớm rà soát, khỏa lấp các tồn tại, bất cập của pháp luật với hoạt động kiểm toán độc lập.

ta anh tuan
Luật sư Tạ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH EMME LAW

Thời gian qua, các doanh nghiệp kiểm toán độc lập được cho đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những doanh nghiệp bỏ qua sai sót đối với đối tượng kiểm toán, dẫn đến các sai phạm nghiêm trọng. Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về hoạt động kiểm toán độc lập, thưa ông?

Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập đã được quy định cụ thể trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán độc lập (trước đây là Nghị định 105/2013/NĐ-CP nay được thay thế bằng Nghị định 41/2018/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, về chế tài xử lý vi phạm về chất lượng kiểm toán đối với doanh nghiệp kiểm toán cũng đã được quy định cụ thể tại Thông tư 157/2014/TT-BTC ngày 23/10/2014 của Bộ Tài chính. Theo quy định, doanh nghiệp kiểm toán có sai phạm nghiêm trọng về chuyên môn hoặc vi phạm chuẩn mực nghề nghiệp sẽ bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán.

Tuy nhiên, đối với kiểm toán viên có sai phạm về chất lượng dịch vụ kiểm toán thì đây là vấn đề bất cập cần sớm được xem xét, rà soát để có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Bởi theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, xử lý vi phạm về chất lượng kiểm toán sẽ bị hạn chế do thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này chỉ là 01 năm, trong khi kết quả kiểm toán có thể ảnh hưởng sau nhiều năm.

Đáng nói, theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập năm 2011, Điều 60 quy định - Nếu doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên có các hành vi vi phạm, gây thiệt hại thì ngoài việc bồi thường theo quy định pháp luật, còn bị xử lý theo các hình thức như: Cảnh cáo; Phạt tiền; Có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, chứng chỉ kiểm toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, đình chỉ đăng ký hành nghề hoặc cấm tham gia hoạt động kiểm toán độc lập; Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mặc dù hành vi vi phạm pháp luật của cả pháp nhân kiểm toán và cá nhân hành nghề kiểm toán bị chế tài hành chính và hình sự, thế nhưng, trách nhiệm pháp lý của hoạt động kiểm toán độc lập vẫn còn bất cập, hạn chế, thưa ông?

Bộ luật Hình sự đã dành nguyên Mục 2, Chương XVIII với 16 Điều quy định về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, tuy nhiên, liên quan đến lĩnh vực kiểm toán đến nay Bộ luật Hình sự năm 2015 và kể cả Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 đều không có điều khoản điều chỉnh độc lập. Vì vậy, các vụ án hình sự đối với các đối tượng liên quan bị xét xử tội vi phạm quy định về kiểm toán độc lập vẫn còn rất ít, cho dù hậu quả mà tổ chức và cá nhân có liên quan gây ra vô cùng lớn.\

Chẳng hạn, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, mặc dù Đoàn kiểm tra do Bộ Tài chính chủ trì về việc tuân thủ pháp luật kiểm toán độc lập tại Công ty CPA Hà Nội và Công ty Kiểm toán Nam Việt đã kết luận: Kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán Việt Nam trong việc cung cấp dịch vụ kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2020 của Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Soleil; và Báo cáo tài chính năm 2020 và 2021 của Cung Điện Mùa Đông, nhưng tội danh mà 4 bị cáo (là cựu giám đốc, tổng giám đốc và phó tổng giám đốc) của 2 công ty kiểm toán bị truy cứu là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Hay như trong vụ việc xảy ra tại Ngân hàng SCB, các đối tượng liên quan đều bị truy tố và được xét xử với 03 tội danh: thao túng thị trường chứng khoán, chiếm đoạt tài sản, nhận và đưa hối lộ.

kiem toan
Luật Kiểm toán độc lập cần quan tâm hoàn thiện các quy định theo hướng tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán cũng như của kiểm toán viên.

Để giải quyết thực trạng đã nêu và nâng cao hoạt động kiểm toán độc lập thời gian tới, ông có đề xuất, khuyến nghị gì?

Theo tôi, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập, trong đó, cần quan tâm hoàn thiện các quy định theo hướng: Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán cũng như của kiểm toán viên với cuộc kiểm toán, gắn trách nhiệm đủ dài với báo cáo kiểm toán; Đưa ra các yêu cầu cao hơn về năng lực của tổ chức và cá nhân hoạt động kiểm toán độc lập; Áp dụng việc kiểm tra chéo và bắt buộc trong kiểm soát dịch vụ kiểm toán độc lập.

Bên cạnh đó, về chế tài xử lý, ngoài việc sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo hướng tăng cường mức phạt thật nặng khi có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập, cần phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng bổ sung, luật hoá tội danh “Vi phạm về kiểm toán độc lập gây hậu quả nghiêm trọng”, trong đó, ngoài việc bồi thường thiệt hại còn có khung hình phạt tù tùy theo mức độ vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Đồng thời, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân vi phạm.

Trân trọng cảm ơn ông!

GIA NGUYỄN