Khởi nghiệp

Khởi nghiệp thành công từ mô hình trồng cây si rô

Minh Huệ - Tháp Chàm 07/08/2024 1:30

Từ một cô kỹ sư khoa học tự nhiên, chị Nguyễn Ngọc Uyên Trinh (Ninh Thuận) đã bỏ nghề, và khởi nghiệp trồng cây si rô. Bước đầu mang lại kinh tế ổn định và hút khách du lịch cho địa phương.

Từ cô cử nhân trẻ bỏ việc về quê khởi nghiệp

Chị Nguyễn Ngọc Uyên Trinh ở Ninh Sơn - Ninh Thuận, tốt nghiệp trường Đại học khoa học tự nhiên TP HCM, chuyên ngành sinh lý thực vật vào năm 2011. Chị Trinh về công tác tại Viện nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Nha Hố.

Chị Trinh chia sẻ: Cây si rô nó tới với chị giống như là cơ duyên, khi 5 năm trước tình cờ thấy loài cây này trên mạng xã hội, trái đỏ rất đẹp và có vẻ nó phù hợp với khí hậu của Ninh Thuận, được trồng nhiều ở các tỉnh miền tây, nên quyết định mua giống về trồng thử. Sau gần 2 năm cây bắt đầu cho trái màu đỏ rực, kết thành chùm nhìn rất lạ và bắt mắt.

2(1).jpg
Ngày thường vẫn đông khách tới tham quan và thưởng thức sản phẩm được chế biến từ trái si rô

Xuất thân vốn là con nhà nông, tôi luôn đau đáu nghiên cứu phát triển sản xuất nông nghiệp sạch tại chính quê mình, không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn cho con người mà, còn là biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững cho hệ sinh thái… nên khi nhìn thấy cơ hội có thể cho mình được thỏa sức áp dụng những kiến thức đã học và có thể đổi đời cho cả gia đình từ loài cây lạ trên chính mảnh đất của gia đình mình.

Để phá bỏ 1,5 sào vườn tạp, thu nhập thấp, trồng loại cây này chấp nhận vài năm không có thu hoạch gì và sản phẩm từ cây si rô sau 3 năm sẽ như thế nào? Tất cả là quá trình thuyết phục rất lâu gia đình mới thuận ý, giao cả mảnh đất cho chuyển đổi trồng giống cây mới.

Chị Trinh cho biết thêm: Cây si rô có thể được ươm từ hạt hoặc chiết cành. Thời gian từ khi hạt nảy mầm đến lúc cho trái khoảng 2 năm. Nếu trồng bằng phương pháp chiết cành thì thời gian cho trái chỉ khoảng 1 năm.

Thông thường cây si rô ra hoa vào khoảng tháng 2 dương lịch. Trái non từ màu xanh sau chuyển sang trắng hồng và đỏ, đến khi trái chuyển màu đen sẫm mới thu hoạch. Thời gian trái đến khi chín kéo dài từ tháng 4 cho đến tháng 10. Bình quân một cây si rô trưởng thành cho thu hoạch khoảng 20kg quả. So với các loại cây ăn trái khác, cây si rô rất dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh xâm hại, bởi vậy trong quá trình trồng và chăm sóc hầu như không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cây si rô thích nghi phát triển khá tốt và cho màu trái chín đỏ rất đẹp, phù hợp với nơi có nền khí hậu nhiều nắng ở Ninh Thuận.

5.jpg
Chị Nguyễn Ngọc Uyên Trinh – Chủ vườn si rô và hững cây si rô trĩu quả màu hồng đỏ rất bắt mắt

Theo chị Uyên Trinh thì vườn Si rô với hơn 400 cây, trong đó có hơn 70 cây đang thu hoạch trên diện tích vườn 1.500 m2 của mình, được canh tác với tiêu chí 5 không: “Không thuốc hóa học. không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không biến đổi gen và không trồng cây trên đất ô nhiễm”, và chỉ bón phân chuồng sẵn có ở địa phương khi đã được xử lý ủ hoai.

Được tận mắt chứng kiến, những chùm quả si rô chín đỏ mọng xen kẽ với những lá xanh, tạo nên phong cảnh sắc màu và cũng được trải nghiệm thêm về hành trình đến với cây si rô của mình, chị Trinh hồ hởi chia sẻ: Mùa đầu trái sai trĩu cành, lại đúng khi dịch COVID-19 tràn về địa phương, tôi cùng gia đình tự thu hái quả, nghiên cứu tạo ra công thức để chế biến trái thành nước giải khát, làm mứt… sản phẩm xuất ra rồi đem mời mọi người dùng thử để rồi rút kinh nghiệm, đồng thời lấy hạt gieo nhân giống.

Thấy trái si rô chín đỏ rất đẹp, nên nhiều người dân ở địa phương đến chụp hình và hỏi mua giống về trồng ngày một nhiều. Từ đó, tôi quyết định xin thôi việc sau 7 năm công tác và tập trung vào trồng, chăm sóc cây si rô, tổ chức dịch vụ bán sản phẩm tại vườn phục vụ khách tham quan. Trồng cây với tôi bây giờ không chỉ là đam mê, mà chính là thỏa lòng đam mê áp dụng kiến thức đã có, đồng thời chấp nhận những khó khăn thách thức và chọn cho mình hướng đi khởi nghiệp mới với niềm tin sẽ thay đổi cuộc sống của mình và gia đình…”.

...đến “nông trại đỏ” hút khách

Thông thường cuối tháng tư là thời gian si rô bắt chín rộ, chị Trinh mở cửa đón khách tham quan miễn phí tất cả các ngày trong tuần. Vườn cây trở thành địa điểm check in miễn phí thu hút nhiều bạn trẻ, lúc cao điểm cuối tuần, vườn si rô đón hàng trăm lượt khách trong và ngoài tỉnh, có khi cả khách nước ngoài cũng đến tham quan, chụp hình, thưởng thức và mua về làm quà các sản phẩm nước ép, mứt si rô muối ớt.

Chủ vườn si rô Nông trại đỏ cho biết, quả si rô khi chín tuy đẹp mắt nhưng có vị chua nên rất ít được sử dụng vào mục đích ăn tươi. Ngoài sản phẩm nước ép và si rô muối ớt phục vụ tại chỗ hoặc bán cho du khách mang về làm quà, Nông trại đỏ còn cung cấp cây giống đủ kích cỡ để mọi người có thể đem về trồng làm cảnh. Theo chị Trinh, cây si rô lá xanh nhỏ, trái chin đỏ lưu trên cành hơn 3 tháng nên có thể làm cây cảnh hoặc uốn tỉa thành bon-sai trồng ở nhà cũng rất đẹp. Ngoài ra trái có thể có thể cho lên men để làm rượu, vị vang gần giống với vị rượu sim rừng.

Được biết, trái si rô sau khi thu hoạch được chị Trinh xử lý và chế biến đúng theo quy trình, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các sản phẩm này đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP ba sao cấp huyện. Nước ép được nấu bằng đường phèn có vị ngọt dịu thanh sau đó đóng chai thủy tinh, mứt trái vô bao bì bán với giá từ 55.000 - 80.000 đồng/sản phẩm, cây giống đủ kích cỡ ươm hoặc chiết ngoài vườn, nếu cao khoảng 1 mét với giá từ 60.000 đồng đến vài trăm ngàn 1 cây. Với 70 cây đang ra trái và hàng trăm cây giống, thu nhập hàng năm ước khoảng 200 triệu đồng, gấp hơn chục lần so với trồng vườn tạp ngày trước.

Để nhân rộng và phát triển điểm du lịch vườn cây si rô, hiện nay chị Trinh đang nghiên cứu xử lý để cây có thể cho trái ra quanh năm, phối hợp với số đơn vị trong tỉnh để kết hợp làm tour du lịch. Ngoài ra, chị cũng tìm thêm người dân có đất phù hợp để có thể hướng dẫn, cung cấp cây giống tạo nguồn trái, bao tiêu đầu ra để chế biến các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Minh Huệ - Tháp Chàm