Khoảng cách hai “mảnh ghép” xuất siêu
7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đạt 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,7%; nhập khẩu tăng 18,5%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 14,08 tỷ USD.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, đang tồn tại khoảng cách giữa hai “mảnh ghép” xuất siêu bởi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,92 tỷ USD trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) (kể cả dầu thô) xuất siêu 29 tỷ USD.
- Thực tế, xuất siêu do khối FDI tạo ra đã bù cho nhập siêu của khối doanh nghiệp trong nước về mặt số liệu, còn nội hàm thì như thế nào, thưa ông?
So sánh giữa xuất siêu và nhập siêu có một số vấn đề cần đặt ra.
Thứ nhất, nếu khu vực trong nước nhập siêu sau đó xuất hoặc bán thành phẩm đầu vào của khu vực FDI – tức là doanh nghiệp trong nước sản xuất và xuất khẩu trực tiếp, thì đây là điều chúng ta mong muốn, vì khi đó doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia trực tiếp vào các chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Doanh nghiệp Việt Nam gia công sau đó bán thành phẩm cho doanh nghiệp FDI cũng là một dấu hiệu tốt. Điều này thể hiện công nghiệp hỗ trợ và việc liên kết chặt chẽ giữa các khu vực doanh nghiệp nội địa với khu vực FDI gia tăng.
Còn trường hợp doanh nghiệp FDI xuất khẩu cao nhưng cũng nhập khẩu nhiều thì không có lợi cho chúng ta. Vì, nếu doanh nghiệp FDI nhập khẩu nhiều thì phần giá trị gia tăng nội địa của Việt Nam được thụ hưởng sẽ không đáng kể trong phần xuất siêu của các doanh nghiêp FDI.
Thứ hai, nhập khẩu khu vực nội địa tăng sẽ là tín hiệu tốt, nếu không dùng để xuất khẩu hoặc gia công sau đó bán lại cho các doanh nghiệp FDI xuất khẩu. Bởi vì, trong một góc độ nào đó cầu tiêu dùng trong nước có tăng lên thì mới có nhu cầu nhập khẩu.
Chúng ta cần bóc tách nhập khẩu trong nước bao nhiêu phần trăm là nguyên phụ liệu để sản xuất. Nếu nhập khẩu nguyên phụ liệu sau đó sản xuất để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài, qua doanh nghiệp FDI hoặc đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước thì đây là tín hiệu tốt.
Thứ ba, nếu nhập siêu nhưng không phải là nguyên phụ liệu để sản xuất, mà đơn thuần là nhập toàn bộ hàng hoá giá rẻ của nước ngoài thì có tốt hay không? Đây là vấn đề chúng ta phải bàn thảo kỹ lưỡng.
Bởi vì, theo nhiều quan sát và thống kê người Việt Nam mua hàng hoá qua sàn thương mại điện tử những năm gần đây tăng rất cao. Trong khi đó, trên sàn thương mại điện tử đa số lại là những mặt hàng nhập khẩu xuyên biên giới với giá rẻ.
Có một nguy cơ khác từ các sàn thương mại điện tử, đó là kinh doanh dưới dạng phi chính thức, khiến cho khu vực sản xuất, kinh doanh chính thức ở Việt Nam như siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay các điểm bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng… không cạnh tranh được với việc kinh doanh qua mạng không chính thống, như Live stream, TikTok, Facebook…
- Tuy nhiên, đây không phải là hiện tượng của năm nay và có thể sau này cũng sẽ vẫn như vậy. Tại sao lại có tình trạng này, thưa ông?
Việc khu vực sản xuất, trong đó có sản xuất gia công, lắp ráp hàng xuất khẩu thế mạnh thuộc về các chuỗi giá trị và hệ sinh thái sản xuất sẵn có của các doanh nghiệp FDI lớn. Kể cả những doanh nghiệp FDI “đại bàng” khi vào Việt Nam, bên cạnh họ luôn có các doanh nghiệp nhỏ FDI đi theo để hỗ trợ, như Samsung, LG, Apple...
Vì vậy, các doanh nghiệp FDI đã chuyển dịch sản xuất từ các nước Đông Á hay Trung Quốc sang Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của các đơn đặt hàng đó. Do đó, việc các doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế với hơn 70% giá trị xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam trong nhiều năm, từ đó dẫn đến việc xuất siêu chiếm ưu thế từ khu vực FDI cũng là bình thường.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải liên kết được với các doanh nghiệp FDI này để nhập khẩu các thiết bị đầu vào và bán hàng được cho khu vực FDI. Đặc biệt, doanh nghiệp trong nước phải biết tận dụng và chủ động được nguồn tài nguyên, nguyên phụ liệu trong nước, hạn chế việc nhập khẩu… để tăng cường sản xuất các mặt hàng phục vụ cho xuất khẩu càng nhiều thì càng tốt.
Nhưng cũng sẽ rất khó, vì chúng ta thường nhập siêu nguyên phụ liệu, trong đó có cả khu vực doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp Việt Nam để sơ chế, chế biến đầu vào sau đó xuất khẩu, trong đó khu vực trong nước khi gia công cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thì cần phải nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào.
Ngoài ra, để phục vụ thị trường trong nước thì cũng không phải tất cả các mặt hàng sản xuất ở Việt Nam đều có sẵn tất cả các nguyên phụ liệu, toàn bộ hệ sinh thái xây dựng chuỗi giá trị cho một sản phẩm hoàn thiện chúng ta vẫn phải nhập khẩu nguồn đầu vào từ nước ngoài. Việc nhập khẩu này đã dẫn đến nhập siêu.
- Ông có đề xuất gì để xuất siêu có thể đạt được lợi ích lớn nhất cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới?
Thứ nhất, trong xuất khẩu chúng ta phải dịch chuyển lên mức cao hơn, chiếm được giá trị gia tăng tốt hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Khi đó, xuất khẩu nhiều sẽ mang lại giá trị tương ứng.
Thứ hai, Việt Nam phải đổi mới công nghệ, quản trị doanh nghiệp, năng suất lao động.
Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự đầu tư cho việc đón đầu xu thế kinh doanh và công nghệ mới.
Thứ tư, tập trung phát triển nguồn nhân lực, ngành công nghiệp chủ đạo, khoa học công nghệ, hỗ trợ startup…
- Trân trọng cảm ơn ông!