Chứng khoán đang bỏ qua một số chuyển biến nền tảng tích cực
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, một số chuyển biến về nền tảng cơ bản theo hướng tích cực có thể đã bị bỏ qua do yếu tố tâm lý chi phối.
Đây là quan điểm của chuyên gia Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCK (SSI Research) trong báo cáo tháng 8 về kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán (TTCK).
Định giá thị trường sẽ về mức hấp dẫn
Theo đó, ghi nhận thị trường đầu tháng 8 đã xuất hiện các biến số rủi ro mới như: i) số liệu về sản xuất và thị trường lao động Mỹ được công bố suy yếu (ii) NHTW Nhật (BOJ) quyết định nâng lãi suất cơ bản từ 0,1% lên 0,25%, tác động tiêu cực lên TTCK nước này. Các tài sản rủi ro, trong đó có cổ phiếu bị bán mạnh ở hầu hết các TTCK trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Đối với TTCK Việt Nam, các chuyên gia SSI Research cho rằng một số chuyển biến về nền tảng cơ bản theo hướng tích cực có thể đã bị bỏ qua do yếu tố tâm lý chi phối như (i) rủi ro tỷ giá giảm dần khi đồng USD quay lại suy yếu (ii) xu hướng phục hồi lợi nhuận theo quý vẫn tốt và định giá thị trường ở mức 11,27 lần trên P/E ước tính một năm sẽ về mức hấp dẫn hơn khi giá tiếp tục điều chỉnh.
Trong danh sách “SSI Coverage”, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều đang có định giá ước tính 1 năm thấp hơn so với bình quân 5 năm như nhóm Tiêu dùng, nhóm Tài chính, Nhóm công nghiệp, nhóm Bất động sản. Riêng nhóm Công nghệ thông tin có định giá mở rộng trong thời gian gần đây, nhưng vẫn được hỗ trợ tốt bởi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bền vững và bảng cân đối lành mạnh, các chuyên gia SSI Research nêu.
Đồng thời, các chuyên gia dự báo nếu tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì tích cực trong giai đoạn cuối năm sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng tiếp theo của DNNY, là yếu tố hỗ trợ cho TTCK về dài hạn. Tuy nhiên, tín hiệu suy thoái ở các nền kinh tế lớn sẽ là yếu tố rủi ro cần được theo dõi sát bởi sẽ đây cũng sẽ là yếu tố rủi cho quá trình phục hồi của Việt Nam.
Lợi thế nền tảng từ sự phục hồi chuỗi cung ứng
Nếu loại trừ các tín hiệu suy thoái từ các nền kinh tế lớn nếu xuất hiện các yếu tố ngoài khả năng kiểm soát, thực tế, Việt Nam đang được đánh giá có quá trình phục hồi vững chắc và triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan. Thậm chí như đánh giá của ADB là "kỳ vọng tăng trưởng với nhịp độ vững chắc trong năm nay và năm tới, bất chấp môi trường toàn cầu còn nhiều thách thức".
Theo báo cáo Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) của S&P Global, số lượng đơn đặt hàng mới của Việt Nam trong tháng tháng 7 tiếp tục tăng mạnh trong tháng thứ 4 liên tiếp, thúc đẩy các nhà sản xuất tăng mạnh sản lượng, với tốc độ tăng cao hơn so với tháng 6 và là mức nhanh thứ 2 được ghi nhận, chỉ sau mức của tháng đầu tiên dữ liệu này được thu thập là tháng 3/2011.
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, bình luận về ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 7: “Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã nối tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ của tháng 6 sang tháng 7, làm tăng thêm sự lạc quan rằng chúng ta đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt giúp thúc đẩy nền kinh tế tiến về phía trước”.
Ngành sản xuất phục hồi mạnh mẽ một phần đến từ nhu cầu mở rộng của các thị trường bên ngoài. Song chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam khẳng định sự cải thiện ở tất cả các lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản. Điều này cũng được dự báo tiếp tục cơ hội cho các ngành hàng trong chuỗi cung ứng xuất khẩu và logistics.
Trong đó, đặc biệt, sự nổi bật của ngành sản xuất gắn liền với logistic hứa hẹn chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện, từ vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng đang thuộc top 5 dẫn đầu Đông Nam Á và top 10 thị trường logistics mới nổi thế giới.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, ngành logistics đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng 17,1% so với cùng kỳ 2023, đạt 439,88 tỷ USD, theo thông tin được đưa ra tại Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2024 (VILOG 2024) mới đây. Triển lãm này diễn ra trong bối cảnh ngành logistics Việt Nam tiếp tục phát triển về quy mô lẫn chất lượng, thu hút sự tham gia của 400 gian hàng từ hơn 300 công ty đại diện cho 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, thúc đẩy kết nối toàn cầu hệ thống logistics.
Ngành logistic cũng được ghi nhận đang được các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục tăng tốc đầu tư mạnh mẽ, “với bối cảnh kinh tế châu Á tiếp tục hồi phục và Việt Nam ngày càng giữ vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu", theo Lãnh đạo ITL chia sẻ. Được biết, đơn vị này vừa chi 100 triệu USD đầu tư mở rộng, hướng tới doanh số 1 tỷ USD trong năm 2027. Trên thị trường, ITL là một trong những công ty lớn trong ngành công nghiệp vận chuyển hàng hóa và logistics tại Việt Nam, đang sở hữu 5 cảng & ICD trải dài từ Bắc đến Nam, 500 xe tải và container, 34 sà lan và diện tích kho bãi lên đến 500.000 m2, là đại diện của hơn 22 hãng hàng không và khai thác hơn 300 chuyến bay mỗi tuần.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp như ITL, Cảng Quốc tế Long An... cũng chia sẻ đang tiếp tục đầu tư cho giải pháp số hóa và xanh hóa thiết thực, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi bền vững của ngành logistics Việt Nam; qua đó, đóng góp trở lại cho thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, giao thương hàng hóa nội địa, quốc tế, tăng thêm giá trị chuỗi cung ứng.
Trọng tâm hàng tiêu dùng, hàng và dịch vụ công nghiệp
Ghi nhận từ BCTC của các doanh nghiệp logistics có niêm yết trên thị trường, tiềm năng của thị trường kho vận giao nhận thể hiện khá rõ qua kết quả kinh doanh của các công ty trong ngành 6 tháng đầu năm.
Theo VDSC ước tính, giá trị xuất – nhập khẩu hàng hóa container đường biển lần lượt đạt 103 tỷ USD (tăng 10% so với cùng kỳ) và 68 tỷ USD (tăng 8% so với cùng kỳ). Nhờ đó, doanh thu ghi nhận trong quý 2 của các doanh nghiệp cảng – vận tải biển tăng trưởng mạnh mẽ, tiêu biểu với HAH, GMD, VSC....
Trên cơ sở của các chuyển biến nền tảng - đặc biệt chuyển biến tích cực của vĩ mô và một số ngành sản xuất, xuất khẩu, tiêu dùng, logistics..., các chuyên gia của SSI Research cho hay, với các yếu tố hỗ trợ cho TTCK bao gồm đà phục hồi tăng trưởng lợi nhuận và nền tảng định giá tốt (khi thị trường đã điều chỉnh mạnh), nhà đầu tư nên tìm kiếm cơ hội ở các ngành/cổ phiếu còn dư địa mở rộng định giá và có các yếu tố hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm.
Trong đó, trọng tâm có thể là nhóm hàng tiêu dùng (Thực phẩm, Bán lẻ), nhóm hàng và dịch vụ công nghiệp (các cổ phiếu cảng, vận tải biển). "Biến động thái quá do yếu tố tâm lý cũng sẽ tạo cơ hội tốt cho các nhóm cổ phiếu có lịch sử chi trả cổ tức tiền mặt ổn định, cũng như các nhóm cổ phiếu có bảng cân đối mạnh", theo SSI.