Kinh tế

Tăng trưởng dệt may phải gắn với “luật chơi” xanh hoá toàn cầu

NGUYỄN VIỆT 08/08/2024 03:00

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, ngành dệt may đang có nhiều cơ hội đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024.

Vitas đưa ra con số trên trong bối cảnh xuất khẩu hàng dệt may 7 tháng 2024 đạt gần 24 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ, với nhiều thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

dệt may 1
Xuất khẩu dệt may 7 tháng 2024 đạt gần 24 tỷ USD.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho cả năm 2024, thậm chí đầu năm 2025. Đặc biệt, vẫn còn dư địa để xuất khẩu dệt may bứt tốc những tháng cuối năm 2024 do lượng hàng tồn kho của các đối tác nhập khẩu đã giảm đáng kể.

Theo Vitas, các doanh nghiệp dệt may đã chủ động tìm kiếm đơn hàng đến ít nhất 6 tháng đầu năm 2024, có nhiều doanh nghiệp đã đủ đơn hàng sản xuất đến hết tháng 8 và tháng 9 năm nay.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Vitas cho biết ngành dệt may Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc do hầu hết các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu đang kiềm chế được lạm phát khiến sức mua tăng lên.

“Các kho hàng tồn dư của các nhãn hàng đã giảm đi, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua Vitas để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nói.

Sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới tăng lên, phần lớn doanh nghiệp dệt may trong nước đã ký được đơn hàng đến hết quý II/2024, thậm chí một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý III/2024.

Đơn cử, Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 3.707 tỷ đồng và lãi ròng hơn 161 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 21% so với năm 2023. Đến thời điểm này, công ty cũng đã nhận được khoảng 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý II/2024.

Công ty Cổ phần Dệt may Huế cũng báo cáo đã có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 6/2024, trong đó tỷ lệ đơn FOB (không mất phí vận chuyển) chiếm hơn 50%. Đơn hàng ngành may thậm chí đang vượt quá năng lực sản xuất của doanh nghiệp này.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cũng thông báo ký được các đơn hàng may xuất khẩu đến hết nửa đầu năm 2024 nhờ các đối tác lớn đã bán hết hàng tồn kho và Decathlon tăng cường đặt hàng phục vụ Olympic. Công ty đã nâng tổng công suất thêm 15% và tuyển thêm 3.000 công nhân từ tháng 3/2024.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) nhận định ngành dệt may đang nhìn về một tương lai khá sáng sủa khi nền kinh tế Mỹ, châu Âu có nhiều tín hiệu tích cực.“Do đó, năm 2024 Vinatex đã đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 17.536 tỷ đồng, tăng 3% và lợi nhuận đạt 415 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023”, ông Lê Tiến Trường bày tỏ.

dệt may 2
Xanh hóa ngành dệt may là “luật chơi” toàn cầu, và doanh nghiệp phải tự thay đổi để thích ứng.

Theo bà Đặng Thanh Phương, nguyên Viện trưởng viện Kinh tế Thương mại (Bộ Công Thương), yếu tố quan trọng nhất góp phần vào sự khởi sắc của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2024 là sức mua tại các thị trường xuất khẩu chính đã phục hồi trở lại sau đại dịch và khủng hoảng kinh tế.

"Sự trở lại của nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn là nhân tố giúp ngành dệt may Việt Nam bước đầu vượt qua khó khăn tồn đọng của năm 2023", bà Đặng Thanh Phương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm dệt may Việt Nam cũng như gia tăng xuất khẩu, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị cách duy nhất là phải tạo ra giá trị cao hơn cho sản phẩm. Và muốn thực hiện được, doanh nghiệp Việt Nam không thể làm những mặt hàng mà các quốc gia khác cũng làm được.

Ví dụ, Bangladesh đang làm mặt hàng đơn giản vì chi phí lao động của họ thấp, thì Việt Nam không nên cạnh tranh theo cách này. Cách mà ngành dệt may Việt Nam cần làm là tăng giá trị sản phẩm thông qua đầu tư máy móc thiết bị, con người và nguyên liệu.

Đặc biệt, có một điểm các doanh nghiệp phải lưu ý, đó là xu hướng xanh hóa sản phẩm dệt may. Hiện nay, ở nhiều thị trường, nhất là thị trường châu Âu, Nhật Bản đã đưa ra yêu cầu mới cho sản phẩm dệt may. Đó là tiêu chuẩn xanh.

Để có sản phẩm xanh, thì nhà máy phải đạt tiêu chuẩn ESG, dùng điện năng lượng mặt trời, giảm nước thải và đạt các chứng chỉ carbon… Yêu cầu xanh hóa ngành dệt may có thể nói là “luật chơi” toàn cầu và doanh nghiệp chỉ còn cách phải tự thay đổi để thích ứng theo yêu cầu mới.

Và, khi đã là "cuộc chơi" chung toàn cầu, thì doanh nghiệp phải tự đầu tư năng lượng mặt trời, giảm chi phí xử lý hệ thống nước thải dệt nhuộm, dùng nguyên liệu tuần hoàn, tái chế mới có cơ hội xuất đi các thị trường, cụ thể là châu Âu.

NGUYỄN VIỆT