Bình luận

Sao lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thiết yếu?

KHÔI NGUYÊN 08/08/2024 03:12

Chuyên gia cho rằng, xăng không phải là mặt hàng xa xỉ thậm chí còn là thiết yếu, nếu tiếp tục đánh thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ khiến giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng, điều này tác động đến cả nền kinh tế…

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, góp ý cho dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các bộ ngành đã đề xuất bỏ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng ra khỏi đối tượng chịu thuế TTĐB. Qua đó, nhằm chia sẻ gánh nặng khó khăn với người dân trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới nhiều biến động.

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi mới nhất, cơ quan soạn thảo vẫn bảo lưu quan điểm. Theo đó, cơ quan soạn thảo vẫn xác định mặt hàng xăng tiếp tục là đối tượng chịu thuế TTĐB 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.

sao-lai-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-mat-hang-thiet-yeu-1.jpg
Tại dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi mới nhất, cơ quan soạn thảo vẫn xác định mặt hàng xăng tiếp tục là đối tượng chịu thuế TTĐB 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Ảnh minh hoạ

Bình luận về nội dung này trên tờ Pháp luật TP. HCM, chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, nếu tiếp tục áp thuế TTĐB đối với xăng là không hợp lý, phí chồng phí. Do đó, Nhà nước cần không áp thuế TTĐB đối với các loại xăng.

Bên cạnh đó, xăng là mặt hàng thiết yếu, phục vụ cho các ngành sản xuất kinh doanh, vận tải hàng hóa…Nếu tiếp tục đánh thuế TTĐB chỉ khiến giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng, tác động đến cả nền kinh tế. TS Điền cũng cho rằng, nếu đánh thuế TTĐB có tác dụng điều tiết thì Nhà nước nên áp dụng. Còn việc áp thuế TTĐB đối với xăng khoáng cao hơn xăng sinh học như thời gian qua cho thấy không hiệu quả.

Người dân vẫn ưu tiên sử dụng xăng khoáng vì độ co giãn về giá rất thấp. Việc đánh thuế TTĐB xăng khoáng chỉ đẩy giá xăng tăng trong khi người dân vẫn gồng gánh sử dụng.

Nhà nước muốn người dân tiết kiệm sử dụng xăng khoáng, nhưng hiện nay chưa có giải pháp thay thế. Đồng thời, trước khi dùng công cụ thuế để điều tiết Nhà nước cần tạo ra kênh để người dân chuyển đổi, thay thế vì ngoài xăng ra chúng ta còn gì.

Hơn nữa, đối với xăng sinh học, thời gian qua nhiều nhà máy sản xuất ethanol đã đóng cửa do không hiệu quả khi chi phí sản xuất còn cao hơn xăng khoáng.

Vì vậy, Nhà nước muốn khuyến khích dùng xăng sinh học, vấn đề làm sao giảm giá thành xăng sinh học mạnh hơn chứ không phải là áp thuế TTĐB xăng khoáng”, TS Điền nêu quan điểm.

sao-lai-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-mat-hang-thiet-yeu-2.jpg
Thuế TTĐB với xăng áp dụng từ năm 1995 đến nay đã 30 năm trong khi kinh tế có quá nhiều thay đổi. Ảnh minh hoạ

Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) phân tích, xăng dầu hiện nay đã chịu các loại thuế như thuế bảo vệ môi trường. Các loại ô tô sử dụng xăng dầu cũng đã chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao.

Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng xăng sinh học thời gian qua của người dân không cao. Ngoài ra, để tiến tới khuyến khích sử dụng xe điện thì lượng xe dùng xăng E5 ngày càng ít đi. Do đó, để tránh thuế chồng thuế lên người tiêu dùng Nhà nước cần bỏ bớt thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng.

Riêng khi so sánh với các quốc gia đang đánh thuế TTĐB xăng cần nhìn nhận rõ trên mỗi lít/galon xăng dầu họ đánh những loại thuế gì, tỉ trọng trên giá đầu vào là bao nhiêu. Từ đó, chúng ta mới có thể có so sánh tương đối chính xác với điều kiện của Việt Nam để có đánh giá toàn diện hơn”, TS Việt nói.

Cũng phân tích về nội dung này, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú thẳng thắn cho rằng các lập luận của cơ quan soạn thảo đưa ra không thuyết phục, bởi theo lý giải của vị chuyên gia này, thuế TTĐB với xăng áp dụng từ năm 1995, đến nay đã 30 năm trong khi kinh tế có quá nhiều thay đổi.

"Thuế TTĐB đánh vào xăng là vô lý vì xăng đã gánh thuế bảo vệ môi trường rồi và không thể coi xăng như rượu bia, thuốc lá được. Vô lý thứ 2 là hiện doanh nghiệp và người dân đang khó khăn nhiều. Năng lực cạnh tranh về giá của doanh nghiệp rất yếu do chi phí đầu vào tăng cao. Thuế, phí đang chiếm 17 - 20% trong giá xăng dầu là rất cao. Nếu nói phải đánh thuế TTĐB để bảo vệ nguồn thu thì trong thực tế, chính sách giảm thuế phí giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh rất lớn, song song đó giúp người tiêu dùng tăng chi tiêu do được mua hàng hóa với giá cả hợp lý hơn.

Giảm thuế TTĐB giúp kích cầu, doanh nghiệp sẽ tăng sản xuất, lợi nhuận tăng… giúp nộp thuế tăng, như vậy, ngân sách có lợi hơn so với trước. Đó cũng là chính sách khoan sức dân, sức doanh nghiệp mà chúng ta thường đề cập", vị chuyên gia thẳng thắn nói.

KHÔI NGUYÊN