Quy định của pháp luật về tiền thưởng cho người lao động
NLĐ làm việc có thành tích, năng suất thì NSDLĐ thường đặt ra tiêu chí về thưởng để khuyến khích, động viên họ. Vậy tiền thưởng là gì? Quy định về tiền thưởng cho NLĐ như thế nào?
Bộ luật Lao động 2019 (số 45/2019/QH14) được Quốc hội khóa XIV (Kỳ họp thứ 8) thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Năm 2020, Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã ban hành các nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện. Để hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt được những nội dung thay đổi quan trọng và tuân thủ đúng quy định của pháp luật, thời gian qua Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung của Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ 2019) và các văn bản hướng dẫn.
Tuy nhiên, do Bộ luật với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung, thêm vào đó một số quy định lại chưa đầy đủ và rõ ràng, dẫn đến doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong triển khai, áp dụng. Với mong muốn góp phần xây dựng NQLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, VCCI trân trọng giới thiệu một số tình huống tập trung vào một số quy định của BLLĐ 2019 và NĐ 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ đến các doanh nghiệp và độc giả.
Theo Điều 104 BLLĐ 2019 quy định về thưởng như sau:
“1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở."
Theo tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định:
“Đối với các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Như vậy, theo quy định pháp luật thì tiền thưởng theo Điều 104 BLLĐ 2019 là khoản tiền dùng để thưởng cho người lao động (NLĐ) căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động; được quy định trong quy chế thưởng của doanh nghiệp.
Tiền thưởng theo Điều 104 BLLĐ 2019 không phải dùng làm căn cứ đóng BHXH và không phải dùng làm căn cứ tính lương làm thêm giờ cho NLĐ (căn cứ Khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH; điểm a khoản 1 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
Ví dụ về những nội dung cơ bản của quy chế thưởng
Mỗi doanh nghiệp sẽ có chính sách thưởng khác nhau dành cho NLĐ; các khoản tiền thưởng và cách xác định từng khoản thưởng cho người lao động cũng khác nhau. Tuy nhiên, quy chế thưởng của doanh nghiệp thông thường sẽ thể hiện các nội dung cơ bản như sau:
- Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
- Mục tiêu, nguyên tắc thưởng
- Thẩm quyền xem xét thưởng
- Quy định chi tiết về các khoản thưởng
- Trình tự, thủ tục chi thưởng
- Hồ sơ, chứng từ chi thưởng…
Còn nữa...