Ấn Độ sẽ trở thành "công xưởng" toàn cầu?
Ấn Độ đang thúc đẩy nỗ lực "soán ngôi" Trung Quốc để trở thành công xưởng toàn cầu thông qua hàng loạt biện pháp ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất.
Ấn Độ đã công bố một loạt các biện pháp thúc đẩy ngành sản xuất trong nước. Các biện pháp này bao gồm cắt giảm thuế hải quan để giúp nhập khẩu một số nguyên liệu thô rẻ hơn, cũng như các ưu đãi cho các nhà máy tuyển dụng nhiều công nhân hơn.
Trong một thập kỷ qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thuyết phục các công ty nước ngoài chuyển dây chuyền sản xuất của họ đến quốc gia này, theo sáng kiến "Sản xuất tại Ấn Độ" nhằm biến nền kinh tế lớn thứ năm thế giới thành một công xưởng toàn cầu.
Ví dụ, Sunlord Apparels đã trở thành một trong những công ty sản xuất đồ chơi lớn nhất Ấn Độ. Công ty này sản xuất đồ chơi hàng loạt theo đơn đặt hàng riêng của các công ty nước ngoài. Khoảng 80% sản phẩm do Sunlord sản xuất được xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Châu Âu.
"Thị trường lớn nhất của chúng tôi là Mỹ, và chúng tôi cũng đang hợp tác với một số thương hiệu và nhà bán lẻ hàng đầu tại quốc gia này", Giám đốc điều hành của Sunlord Apparels, Amitabh Kharbanda cho biết.
Mặc dù Sunlord Apparels bắt đầu sản xuất đồ chơi cách đây 30 năm, nhưng ông Kharbanda cho biết chỉ sau đại dịch COVID-19, các công ty phương Tây mới bắt đầu cân nhắc ý tưởng đa dạng hóa nguồn cung ứng của họ khỏi Trung Quốc.
"Ấn Độ là quốc gia duy nhất có dân số lao động có thể cạnh tranh với Trung Quốc", ông nói thêm.
Vào năm 2021, một nhà sản xuất đồ chơi lớn của Hoa Kỳ đặt vấn đề hợp tác với Sunlord Apparels. Kể từ đó, sản lượng của công ty đã tăng gấp đôi và các đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp phương Tây khác liên tục đổ về công ty này.
Giới quan sát nhận định, lực lượng lao động lớn và giá cả phải chăng của Ấn Độ đang thu hút các công ty nước ngoài. Chính phủ Ấn Độ hy vọng sẽ sử dụng những lợi thế này để tạo ra hàng triệu việc làm mới.
Nhưng ngay cả khi Ấn Độ đang nỗ lực trở thành trung tâm sản xuất mới toàn cầu, thành công của lĩnh vực này vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu thô từ Trung Quốc.
Mặc dù có những hạn chế nghiêm ngặt đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc, Ấn Độ vẫn tiếp tục cho phép nhập khẩu hàng công nghiệp từ quốc gia này.
Gần đây, chính phủ của ông Modi cho biết họ có thể cân nhắc cho phép tăng các khoản đầu tư của Trung Quốc để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất.
"Quy mô kinh tế luôn là một thách thức ở Ấn Độ. Các doanh nghiệp rất muốn có thể nhập khẩu nhiều nguyên liệu hơn từ Trung Quốc một cách dễ dàng hơn, để góp phần đáp ứng các đơn hàng đang ngày một nhiều hơn", Dave Evans, CEO và Đồng sáng lập của Fictiv, một công ty công nghệ sản xuất toàn cầu cho biết.
Trên thực tế, ngành sản xuất điện thoại di động của Ấn Độ đang dần xây dựng được chuỗi cung ứng mạnh trong nước. Tính đến năm nay, gần như tất cả điện thoại di động của Ấn Độ đều được sản xuất tại thị trường nội địa, trong đó 30% sản lượng được xuất khẩu.
Các chuyên gia cho biết động thái chuyển một phần dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ của gã khổng lồ công nghệ Apple đã góp phần vào thành công này của Ấn Độ; đồng thời thu hút các công ty hỗ trợ sản xuất linh kiện máy ảnh và điện thoại đến quốc gia này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Ấn Độ có thể thuyết phục các công ty phương Tây chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất của họ đến đây, thì Ấn Độ có thể sớm trở thành một công xưởng toàn cầu.