Đằng sau phiên livestream của KFC Việt Nam
Trong thời đại số hóa và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, các nền tảng xã hội đang dần mở rộng phạm vi hoạt động của mình ra ngoài các dịch vụ truyền thống.
TikTok, nền tảng video ngắn nổi tiếng, gần đây đã có những bước chân đầu tiên vào thị trường F&B (Food and Beverage) bằng việc cho phép người dùng đặt và giao đồ ăn ngay trên ứng dụng. Với KFC Việt Nam là thương hiệu tiên phong, thử nghiệm bán gà rán qua các buổi livestream từ đầu tháng 6 năm nay. Điều này dường như có thể sẽ đặt ra những thách thức lớn cho các nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến như là Shopee Food và GrabFood.
Phiên livestream thú vị của KFC Việt Nam
Mới đây, KFC Việt Nam bắt đầu thử nghiệm bán gà rán qua các buổi livestream trên TikTok, người xem có thể vừa thưởng thức nội dung giải trí vừa dễ dàng đặt đồ ăn thông qua bình luận dựa trên mã khuyến mãi. Đồ ăn được cam kết giao nhanh trong vòng một giờ với phí giao hàng chỉ 10.000 đồng. Các phiên livestream của KFC chủ yếu diễn ra vào khung giờ nghỉ trưa và chiều tối, thời điểm lý tưởng cho việc kích thích nhu cầu ăn uống của người dùng.
Theo đại diện của KFC, bán hàng qua kênh online tạo ra sự trực quan, giúp khách hàng dễ hình dung và lựa chọn món ăn ưng ý, khâu giao hàng cũng có thể được thực hiện chỉ trong thời gian ngắn.
“Đây là bước tiến mới trong xu hướng tăng trải nghiệm của khách hàng mà KFC muốn mang đến cho tất cả mọi người. Từ nay, mọi người có thể tiếp cận món gà rán KFC không chỉ tại hệ thống nhà hàng, mà còn thông qua livestream trên nền tảng TikTok được thực hiện thường xuyên và liên tục”, phía KFC Việt Nam cho biết.
Thách thức cho các nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến?
Sự xuất hiện của TikTok trong thị trường F&B đồng nghĩa với việc các nền tảng giao đồ ăn hiện tại như Shopee Food và GrabFood sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp về người dùng.
Trên thực tế, TikTok không chỉ là một nền tảng giải trí mà còn là một kênh thương mại tiềm năng với lượng người dùng khổng lồ và khả năng tương tác cao. Người dùng có thể bị thu hút bởi trải nghiệm mới mẻ khi vừa xem nội dung giải trí vừa đặt đồ ăn, điều mà các nền tảng giao đồ ăn truyền thống chưa thể cung cấp.
TikTok nổi tiếng với tính năng livestream và sức ảnh hưởng mạnh mẽ của các influencer. Việc kết hợp giữa các buổi livestream bán đồ ăn và sự tham gia của các influencer có thể tạo ra một hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, giúp thúc đẩy doanh số bán hàng. Điều này có thể sẽ là một thách thức lớn cho các nền tảng gọi đồ ăn trực tuyến như Shopee Food hay là GrabFood khi họ phải tìm cách cạnh tranh với sức ảnh hưởng của các ngôi sao mạng xã hội.
Quay trở lại với phiên livestream của KFC Việt Nam, thương hiệu này đã gây chú ý khi trở thành thương hiệu đồ ăn nhanh đầu tiên triển khai livestream bán hàng trên TikTok. Chiến lược này không chỉ giúp KFC gia tăng doanh thu đáng kể mà còn tạo nên một hình thức tương tác mới, thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng. Theo tiết lộ của KFC, sau 4 phiên livestream, tỷ lệ doanh thu trên chi phí quảng cáo (ROAS) của KFC đã tăng từ 400% lên hơn 1.000%. Điều này chứng tỏ rằng chiến lược sử dụng các sản phẩm flash sale và combo đặc biệt theo khung giờ đã kích thích mạnh mẽ hành vi mua hàng của người dùng, giúp KFC đạt được doanh số ấn tượng trong thời gian ngắn.
Với những kết quả ấn tượng mà KFC Việt Nam đạt được, livestream bán hàng rất có thể sẽ trở thành xu hướng mới trong ngành F&B. Tất nhiên, điều này cũng có thể khiến cho các nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến như là Shopee Food và GrabFood sẽ phải đối mặt với áp lực lớn trong việc duy trì sự hấp dẫn của mình thông qua các chương trình khuyến mãi và chiến lược tiếp thị sáng tạo hơn.
TikTok đang tận dụng công nghệ tiên tiến để mang đến trải nghiệm người dùng mượt mà và thú vị. Đáng chú ý, nền tảng mạng xã hội này không chỉ nhắm đến các thành phố lớn mà còn mở rộng phạm vi hoạt động ra các khu vực nông thôn và các thị trường tiềm năng khác. Điều này đồng nghĩa với việc Shopee Food và GrabFood phải nhanh chóng mở rộng mạng lưới của mình để không bị mất thị phần vào tay đối thủ mới.
Nhìn chung, sự xuất hiện của TikTok trên thị trường F&B với sáng kiến bán đồ ăn qua livestream có thể sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến, tương tự như cái cách mà TikTok Shop đang thách thức Shopee và Lazada trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Trong tương lai, các nền tảng giao đồ ăn truyền thống có lẽ cần phải đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để cải thiện trải nghiệm người dùng, từ việc tối ưu hóa giao diện ứng dụng đến nâng cao chất lượng dịch vụ giao hàng. Điều này đòi hỏi nguồn lực tài chính và nhân lực đáng kể. Có vẻ, thị trường giao đồ ăn sẽ bước vào một giai đoạn mới đầy cạnh tranh và tiềm năng, và sự đổi mới là chìa khóa để tồn tại và thành công.