Hút vốn FDI bằng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế
Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết muốn thu hút nguồn vốn nước ngoài cần cập nhật để bộ báo cáo tài chính đáp ứng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Đào tạo Trung tâm đào tạo AudiCare Việt Nam (ACV) nhấn mạnh tại Hội thảo “Tổng quan chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và thực tiễn thanh tra kiểm tra thuế hiện nay”, do Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) phối hợp với Công ty Cổ phần Đại An tổ chức, ngày 7/8.
Với kinh nghiệm làm việc ở vị trí kế toán trưởng tại một doanh nghiệp FDI nhiều năm, bà Nguyễn Thị Thủy chia sẻ thông tin về thách thức và cơ hội khi áp dụng bộ chuẩn mực kế toán quốc tế - IFRS tại Việt Nam.
IFRS là căn cứ để nhà đầu tư quyết định đầu tư
Báo cáo tài chính phản ánh tình hình hoạt động của doanh nghiệp sẽ là căn cứ để nhà đầu tư quyết định đầu tư. Tuy nhiên, thực tế việc tuân thủ chuẩn mực báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn có khoảng cách so với quy định, thậm chí chưa có nhiều doanh nghiệp tiếp cận các thông tin về chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).
Bởi, hiện nay Việt Nam vẫn đang trong lộ trình thực hiện bộ chuẩn mực kế toán quốc tế - IFRS.Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến thực hiện Quyết định 345/2020/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam với lộ trình sẽ thực hiện IFRS sau năm 2025, mà còn không thuận lợi cho việc xây dựng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp muốn thu hút vốn giá tốt, giá rẻ của các nhà đầu tư nước ngoài, thì cần đáp ứng yêu cầu về sự minh bạch, trách nhiệm giải trình, tuân thủ chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam và tiếp theo là IFRS...”, bà Nguyễn Thị Thủy bày tỏ.
Từ đó, bà Nguyễn Thị Thủy đề nghị các lãnh đạo doanh nghiệp nên đưa bộ phận tài chính cùng tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh, để hiểu và có thông tin phản ánh đầy đủ tình hình tài chính của doanh nghiệp trong bộ báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế. Vì, hệ thống chuẩn mực này không chỉ dành cho bộ phận kế toán mà mang đến tư duy quản trị hiệu quả cho doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi làm thế nào doanh nghiệp để không bị đánh giá rủi ro từ ngành thuế, theo ông Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Thuế Doanh nghiệp - Công ty cổ phần tư vấn E&Y Việt Nam, doanh nghiệp cần biết có rủi ro về thuế hay không bằng việc xây dựng, nâng cao được quy trình quản trị nội bộ, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về thuế, thường xuyên cập nhật chính sách thuế…
Các doanh nghiệp có thể sử dụng đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để đảm bảo kiểm soát tốt việc tuân thủ quy định về thuế. Cụ thể, Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam có vai trò là cầu nối giữa Nhà nước với các doanh nghiệp hội viên, cập nhật cung cấp thông tin về các cơ chế chính sách và pháp luật liên quan đến hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp tới các doanh nghiệp hội viên.
Tổng hợp, phản ánh, kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề các vướng mắc của các doanh nghiệp liên quan đến chính sách, cơ chế quản lý, vận hành các khu công nghiệp, khu kinh tế, tạo dựng mối liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu kinh tế với các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương.
Hệ thống chuẩn mực mang đến quản trị hiệu quả
Trao đổi về vấn đề này, TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) cho biết để mở đầu cho chuỗi các hoạt động đào tạo từ nay đến hết năm 2024, Liên chi hội đã chọn Công ty Cổ phần Đại An làm đối tác để tổ chức hội thảo “Tổng quan chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS ) & thực tiễn thanh tra kiểm tra thuế hiện nay”.
Liên chi hội đã xây dựng một kế hoạch đào tạo từ nay đến cuối năm 2024 với nhiều chủ để thiết thực nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp thành viên thông tin mới nhất về cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực như thuế, kế toán, hải quan, tài chính và quản trị doanh nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, xúc tiến đầu tư... qua đó tăng cường nhận thức của các hội viên để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.
“Chúng tôi mong muốn cung cấp được đẩy đủ thông tin về pháp luật Việt Nam cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các nhà phát triển khu công nghiệp. Thuế và công tác kế toán là nhu cầu đầu tiên sát sườn và quan trọng nhất nếu doanh nghiệp muốn thu hút vốn đầu tư FDI, và trở nên hấp dẫn hơn với các quỹ đầu tư”, TS. Phan Hữu Thắng bày tỏ.
Ở góc độ doanh nghiệp đang vận hành 3 khu công nghiệp tại Hải Dương và Hưng Yên với tổng diện tích gần 1.000 ha, thu hút 120 nhà đầu tư nước ngoài đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD, bà Tường Quỳnh Hương, Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đại An đánh giá cao những thông tin hữu ích thu nhận được tại hội thảo.
“Đây là phần việc công ty sẽ thực hiện ngay. Bộ phận kế toán của công ty sẽ phải đi sâu hơn vào quy trình sản xuất, hoạt động của doanh nghiệp để có được báo cáo kế toán sát thực, phục vụ cho cả lãnh đạo doanh nghiệp và đối tác”, bà Tường Quỳnh Hương khẳng định.
Được biết, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) hiện đã có 140 quốc gia, nền kinh tế đã áp dụng. Việt Nam là 1 trong 8 quốc gia chưa áp dụng và đang trong giai đoạn khuyến khích các doanh nghiệp tuân thủ.