Một số nội dung cắt giảm quy định của Bộ Giao thông vận tải còn thiếu rõ ràng
Góp ý Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý, VCCI cho rằng, một số quy định còn thiếu rõ ràng…
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 7695/BGTVT-PC của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải năm 2024 (Dự thảo).
Tại văn bản đã nêu, về lĩnh vực đăng kiểm (mục I), VCCI cho biết, đối với ngành nghề “đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển”, Dự thảo đề xuất giảm 50% số lượng cán bộ kỹ thuật, giảm 50% thời gian kinh nghiệm; giảm số lượng hệ thống quản lý phải áp dụng, chỉ áp dụng ISO 9001 hoặc tương đương với cơ sở đóng tàu loại 1, bỏ áp dụng ISO 14001 hoặc tương đương đối với cơ sở đóng tàu loại 1; bỏ áp dụng ISO 9001 hoặc tương đương đối với cơ sở đóng tàu loại 2. Đây là các quy định tại Điều 5, Điều 9, Điều 10 Nghị định 111/2016/NĐ-CP.
Tuy nhiên, trong phần kiến nghị thực thi, ngoài các điều trên Dự thảo đang đề xuất sửa đổi, bổ sung các Điều 1, khoản 2 Điều 3, Điều 15 Nghị định 111/2016/NĐ-CP và thiếu kiến nghị sửa Điều 10 về điều kiện cán bộ kỹ thuật, kiểm tra chất lượng và thợ sửa chữa tàu. Điều 1, khoản 2 Điều 3, Điều 15 là những điều khoản về “phạm vi điều chỉnh”, khái niệm “cơ sở đóng tàu loại 2”, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục – những điều khoản ít liên quan đến đề xuất kiến nghị cắt giảm ở trên.
Theo VCCI, không rõ, các điều khoản này sẽ được sửa theo hướng nào? Đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ thêm về hướng sửa đổi của các Điều 1, khoản 2 Điều 3, Điều 15 Nghị định 111/2016/NĐ-CP và bổ sung kiến nghị sửa đổi Điều 10 Nghị định 111/2016/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, góp ý về một số thủ tục trong lĩnh vực hàng hải, VCCI cho rằng, Dự thảo đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm thành phần hồ sơ yêu cầu nộp chứng minh nhân dân/căn cước công dân, thay thế các trường thông tin có thể khai thác được trong dữ liệu quốc gia về dân cư. Đề xuất này là phù hợp và sẽ tạo thuận lợi cho các đối tượng thực hiện thủ tục.
Đồng thời đề nghị, trong các thủ tục cần xem xét đơn giản hóa thêm một số điểm như: Bỏ thành phần hồ sơ là “giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” trong các thủ tục đặt tên tàu biển; đăng ký tàu biển không thời hạn/có thời hạn; đăng ký tàu biển đang đóng; đăng ký tàu biển loại nhỏ quy định tại Nghị định 171/2016/NĐ-CP vì đây là thông tin có thể tra cứu trong hệ thống thông tin về đăng ký doanh nghiệp; Lồng ghép thủ tục đặt tên tàu biển với thủ tục đăng ký tàu biển.
Lý giải cho đề xuất đã nêu, VCCI cho biết, theo quy định tại Nghị định 171/2019/NĐ-CP thủ tục đặt tên tàu biển đang được thiết kế độc lập với thủ tục đăng ký tàu biển. Trong mẫu tờ khai đăng ký tàu biển (mẫu số 01), tàu biển đã có tên. Như vậy, thủ tục đặt tên tàu biển sẽ phải thực hiện trước thủ tục đăng ký tàu biển.
“Bộ Luật Hàng hải quy định về các nguyên tắc đặt tên tàu biển Việt Nam (Điều 21), không quy định chủ tàu phải có sự chấp thuận về việc đặt tên tàu biển trước khi thực hiện đăng ký tàu biển. Vì vậy, để tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo xem xét đề xuất lồng ghép thủ tục đặt tên tàu biển với thủ tục đăng ký tàu biển. Khi xem xét về các điều kiện đăng ký tàu biển, cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét tên gọi của tàu biển cho phù hợp với Điều 21 Bộ luật Hàng hải hay không”, VCCI góp ý.
Bên cạnh các nội dung đã nêu, góp ý quy định về lĩnh vực đường thủy nội địa, theo VCCI, Dự thảo đã đề xuất giảm số lượng hồ sơ từ 03 bộ xuống còn 02 bộ đối với các bộ hồ sơ trong các thủ tục “phê duyệt kế hoạch an ninh và cấp giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài”; “xác nhận hàng năm Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa”; “phê duyệt đánh giá an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài”; giảm số ngày giải quyết thủ tục từ 05 ngày làm việc xuống còn 03 ngày làm việc đối với thủ tục “đổi tên cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu”; “gia hạn hoạt động cảng, bến thủy nội địa”. Các đề xuất này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho các đối tượng thực hiện thủ tục.
Tuy nhiên, về các thủ tục liên quan đến bảo đảm an ninh tại cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài và hoa tiêu đường thủy nội địa quy định tại Nghị định 08/2021/NĐ-CP, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét thêm một số vấn đề như: Về thời hạn của Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài
Bởi, theo quy định tại Điều 43 Nghị định 08/2021/NĐ-CP người khai thác cảng phải lập hồ sơ đề nghị phê duyệt kế hoạch an ninh và cấp giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài. Giấy chứng nhận này có thời hạn 05 năm và hàng năm phải được xác nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa.
Với cơ chế quản lý như trên, việc quy định thời hạn của Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài dường như chưa thật cần thiết, bởi vì hàng năm cơ quan có thẩm quyền vẫn phải đánh giá xác nhận phù hợp an ninh cảng nội địa.
Mặt khác, nếu hết thời hạn 05 năm, người khai thác cảng sẽ phải xin cấp lại hay gia hạn giấy chứng nhận? Thủ tục như thế nào? Nghị định 08/2021/NĐ-CP chưa quy định rõ về vấn đề này.
Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo đánh giá lại tính cần thiết phải quy định thời hạn của Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài và cân nhắc bỏ thời hạn này.