Đối ngoại

“Kỷ nguyên mới” trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

Cẩm Anh 10/08/2024 12:00

Chuyến công du vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Ấn Độ đã mở ra chương mới cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

Indronil Sengupta
Ông Indroni Sengupta, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM)

DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Indroni Sengupta, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM) về vấn đề này.

- Theo ông, việc Thủ tướng Narendra Modi khẳng định Việt Nam là trụ cột mạnh mẽ trong chính sách hướng Đông, là đối tác chủ chốt trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ sẽ mang lại cơ hội nào cho các doanh nghiệp hai nước?

Tuyên bố này được Thủ tướng Modi đưa ra khi Việt Nam và Ấn Độ nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” và được tái khẳng định trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đây không chỉ là quan điểm nhất thời mà là chính sách lâu dài.

Việt Nam có vị trí quan trọng trong chiến lược khu vực của Ấn Độ. Điều này sẽ mang lại động lực thúc đẩy mở rộng thương mại song phương, cũng như có thể liên quan đến việc giảm các rào cản thương mại, cải thiện kết nối hậu cần và tăng cường thương mại trong các lĩnh vực mà cả hai nước đều có lợi thế cạnh tranh.

Tuyên bố của Thủ tướng Modi cũng nhấn mạnh cam kết của Ấn Độ trong việc tăng cường quan hệ với Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào thị trường Việt Nam và ngược lại. Điều này sẽ dẫn đến tăng cường hơn nữa các liên doanh, hợp tác và thúc đẩy dòng vốn giữa hai quốc gia. Cả hai nước có thể khám phá sự hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ, dược phẩm hoặc trong lĩnh vực mới nổi như du lịch.

- Ấn Độ và Việt Nam đang tập trung vào việc đưa các xu hướng công nghệ vào các kế hoạch kinh tế quốc gia. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp Ấn Độ vào công nghệ?

Việt Nam vốn đã hấp dẫn không chỉ các doanh nghiệp Ấn Độ mà còn cả các doanh nghiệp trên toàn cầu nhờ môi trường kinh doanh ổn định, nhiều ưu đãi khác nhau dành cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia.

vn-ad.jpg
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Ấn Độ qua các năm. Nguồn: TTX


Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều cần cải thiện. Do tốc độ tăng trưởng công nghiệp rất cao ở Việt Nam trong 20 năm qua, nguồn nhân lực có tay nghề cao đang trở thành một thách thức. Ví dụ, một số nhà đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam như HCL (một trong những công ty công nghệ thông tin lớn nhất ở Ấn Độ) phải nỗ lực xây dựng lực lượng lao động của riêng họ thông qua việc ký kết với nhiều trường đại học, tỉnh, thành.

Các nhà đầu tư của chúng tôi thường gặp khó khăn trong việc tìm hiểu môi trường pháp lý của Việt Nam. Bất chấp những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện các thủ tục.

- Vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý gì để đưa hàng hóa vào thị trường Ấn Độ?

Trước hết, các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu được thị trường và hành vi của người tiêu dùng. Đây là yếu tố rất quan trọng để điều hướng chính xác kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Các bang ở Ấn Độ có nhu cầu khác nhau. Các doanh nghiệp nên tiến hành nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng để hiểu sở thích, hành vi mua hàng và nhu cầu thị trường đối với sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên kết nối và xây dựng quan hệ đối tác với các đại lý hoặc nhà phân phối địa phương để điều hướng các hoạt động kinh doanh. Đồng thời, việc xem xét thành lập liên doanh với các công ty Ấn Độ có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng kiến thức thị trường và mạng lưới của họ.

Người Ấn Độ đánh giá cao tầm quan trọng của mạng lưới kinh doanh và các mối quan hệ. Có những thành công của doanh nghiệp phần lớn dựa vào việc xây dựng niềm tin và mối quan hệ tích cực lâu dài với các đối tác. Các doanh nhân Ấn Độ cũng coi trọng các hợp đồng pháp lý và những hợp đồng đó cần được thực hiện một cách phù hợp.

INCHAM sẵn sàng làm cầu nối và tạo điều kiện thuận lợi cho sự gia nhập của các công ty Việt Nam vào Ấn Độ.

- Trong thời gian tới, INCHAM có kế hoạch gì để thúc đẩy hơn nữa hợp tác doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam để hiện thực hóa mục tiêu mà 2 Thủ tướng đặt ra trong chuyến thăm vừa qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ?

Năm nay đánh dấu 25 năm InCham nỗ lực thúc đẩy quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ. Chúng tôi đã lên nhiều kế hoạch cho dấu mốc quan trọng này. Thiếu thông tin luôn là một rào cản cho cả các công ty Ấn Độ khi đầu tư vào Việt Nam và ngược lại. Do đó, INCHAM đang cung cấp dịch vụ tư vấn kinh doanh cho bất kỳ doanh nghiệp nào có nhu cầu với nội dung đa dạng, bao gồm bối cảnh kinh doanh, hỗ trợ pháp lý, thông tin thị trường, xây dựng quan hệ đối tác và hợp tác,…

Trong thời gian tới, INCHAM sẽ tổ chức Hội nghị doanh nghiệp về kinh tế số, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ cả Việt Nam và Ấn Độ nhằm chia sẻ thông tin, hiểu biết sâu sắc, cũng như các kỹ năng cần thiết để khai thác thị trường kỹ thuật số ở cả hai nước. Đây cũng là cơ hội để các lãnh đạo doanh nghiệp, các công ty khởi nghiệp giao lưu, tìm hiểu các cơ hội hợp tác tiềm năng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Cẩm Anh