Kinh tế

Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gỗ

HẰNG THY 09/08/2024 16:10

Các thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam đang tiếp tục đối diện với các khó khăn về kinh tế và bảo hộ sản phẩm hàng hoá. Cùng với đó, giá cước vận tải biển tiếp tục tăng khiến xuất khẩu gỗ Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị giao ban ngành chế biến gỗ và xuất khẩu gỗ và lâm sản Quý III năm 2024 tổ chức ngày 9/8.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành gỗ và lâm sản của Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong 7 tháng năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,36 tỷ USD, tương ứng với 61,5% kế hoạch năm.

Cụ thể, với thị trường Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,019 tỷ USD, tăng 24%; Trung Quốc đạt 1,22 tỷ USD, tăng 37,92%; EU đạt 555 triệu USD, tăng 22,44%. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 3,99 tỷ USD, tăng 22,3%, doanh nghiệp trong nước đạt 5,371 tỷ USD, tăng 19,2%. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,504 tỷ USD, tăng 22,3 % so với năm 2023. Giá trị xuất siêu toàn ngành ước đạt 7,857 tỷ USD.

xkgo.jpg
Các đại biểu điều hành hội nghị giao ban ngành chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý III năm 2024

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023, ngành gỗ Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo phân tích của ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), thị trường Hoa Kỳ, chiếm hơn 54% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam, đã chứng kiến nhiều thay đổi về chính sách thương mại. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại liên tiếp; trong đó, Hoa Kỳ đã tiến hành ba vụ kiện liên quan đến ngành gỗ.

Bên cạnh đó, với việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, gây áp lực lớn lên chi phí và biên lợi nhuận.

Đáng nói, tại thị trường EU, Quy chế Chống mất rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2024, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ khi phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc sản phẩm và các yếu tố liên quan đến môi trường.

Trong khi đó, Đức cũng đã áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, yêu cầu các nhà xuất khẩu phải cung cấp thêm nhiều chứng nhận liên quan đến lao động và môi trường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Còn tại thị trường Đông Bắc Á, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng đã áp dụng các biện pháp mới làm tăng chi phí và rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Hàn Quốc quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với gỗ dán của Việt Nam, trong khi Nhật Bản đang triển khai hệ thống mua bán tín chỉ các-bon, yêu cầu tuân thủ các quy định khắt khe về khí thải đối với các sản phẩm gỗ.

Từ đó ông Đỗ Xuân Lập đưa ra một số giải pháp cho ngành gỗ trong thời gian tới.

Thứ nhất, các giải pháp về kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất; Thứ hai, sản xuất phải giảm phát thải (sản phẩm xanh); Thứ ba, các giải pháp về quản trị trong đó ưu tiên là chuyển đổi số (áp dụng các phần mềm trong quản trị); Thứ tư, đẩy mạnh xúc tiến thương mại (đặt công tác phát triển thị trường là trọng tâm ưu tiên trong thời điểm hiện tại); Thứ năm, xây dựng bộ tiêu chuẩn giám sát nội bộ trong doanh nghiệp.

Chủ tịch VIFOREST cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan của Chính phủ hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.

Đồng thời, cần có cơ chế phối hợp để cập nhật các thông tin thay đổi về chính sách tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành gỗ Việt và cung cấp các dự báo, cảnh báo và các thông tin liên quan tới phòng vệ thương mại.

Ông Đỗ Xuân Lập cũng nghị các cơ quan chức năng xây dựng chính sách hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành gỗ, nhằm giúp các doanh nghiệp có nhiều hơn nữa các cơ hội giới thiệu, quảng bá hình ảnh gỗ Việt sang các thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó, đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư có chính sách để các tỉnh không khuyến khích doanh nghiệp FDI đầu tư dự án sản xuất các sản phẩm của ngành gỗ mà nước đó đã bị nước thứ 3 áp thuế chống bán phá giá.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm 2024 là tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào việc phát triển rừng trồng, chế biến gỗ và lâm sản.

Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, tổ chức các hội chợ triển lãm, xúc tiến đầu tư để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm gỗ và lâm sản. Việc tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt kịp thời những khó khăn, bất cập do cơ chế, chính sách để tháo gỡ cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản là rất cần thiết.

Ông Lực cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời xây dựng các kịch bản điều hành xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản để đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu năm 2024.

Theo ông Lực, việc nhân rộng các mô hình liên kết thành công giữa doanh nghiệp chế biến gỗ và hộ gia đình trồng rừng không chỉ đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp mà còn góp phần nâng cao giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất và cải thiện tính cạnh tranh của ngành gỗ Việt Nam.


HẰNG THY