Đế chế lừa đảo “dùng người Việt lừa người Việt” tại Tam Giác Vàng
Đường dây mua bán người, lừa đảo qua mạng với quy mô đặc biệt lớn tại Tam Giác Vàng vừa bị “xoá sổ” đã sử dụng phương thức “dùng người Việt lừa người Việt” chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Theo đó, thông tin về đường dây lừa đảo quốc tế tại đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng vừa bị lực lượng chức năng “xóa sổ” khiến dư luận thực sự vui mừng, bởi thực tế vấn nạn lừa đảo qua mạng đã và đang gây nhức nhối trong dư luận, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với rất nhiều người, nhiều gia đình tại Việt Nam.
Có thể nói, đây là một chiến công lớn của lực lượng Công an, một cú đấm thép nhắm đến nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng. Đáng nói, đây là một bộ máy tổ chức lừa đảo chuyên nghiệp, xuyên biên giới hoạt động trên không gian mạng, do người nước ngoài quản lý chiếm đoạt tài sản của hàng nghìn nạn nhân Việt Nam. “Sào huyệt” nơi đường dây tội phạm này hoạt động được nằm tại đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng thuộc tỉnh Bokeo, Lào. Nơi vốn được mệnh danh là "thiên đường của tội phạm", nơi có “đế chế” riêng… “bất khả xâm phạm”.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Hà tĩnh, ngày 8/8 vừa qua, đơn vị đã tạm giữ Hoàng Bích Ngọc (30 tuổi, trú thành phố Hải Phòng) cùng 154 người để điều tra hành vi liên quan đến hoạt động mua bán người và lừa đảo qua mạng với quy mô đặc biệt lớn tại đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng (tỉnh Bokeo, Lào). Chuyên án này được Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị của nước bạn Lào thực hiện.
Thông tin từ Công an Hà Tĩnh cho biết, từ đầu năm 2024, đơn vị liên tục nhận được nhiều đơn trình báo bị lừa hàng tỷ đồng với cùng phương thức giống nhau. Cùng với đó, nhiều gia đình có con bị lừa bán sang Lào với lời hứa "việc nhẹ, lương cao" cũng gửi đơn trình báo. Đặc biệt, nhiều người khi sang Lào bị cưỡng bức tham gia thực hiện các hoạt động phạm tội, muốn về nhưng không thể do bị thu hết giấy tờ và bị quản lý chặt chẽ.
Sau khi xác minh, công an đã lập chuyên án để hỗ trợ giải cứu. Cảnh sát xác định, cuối năm 2023, các đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại khu vực Đông Nam Á như: Campuchia, Philippines, Malaysia, Myanmar… chuyển địa bàn hoạt động sang đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng thuộc tỉnh Bokeo, Lào.
Các nhóm đối tượng đã móc nối với người Việt Nam đã từng tham gia tổ chức lừa đảo qua mạng do người nước ngoài cầm đầu hoạt động tại các nước để thực hiện chiến thuật "dùng người Việt lừa người Việt". Nhóm người bắt đầu lôi kéo, dụ dỗ, lừa những người Việt Nam nhập cảnh trái phép với chính sách lương hấp dẫn 18-30 triệu đồng để thực hiện hành vi lừa đảo.
Trong thời gian ngắn, nhóm đối tượng đã thành lập một băng nhóm, thực hiện "đế chế" riêng tại khu vực được mệnh danh là "thiên đường của tội phạm" - Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng. Nhóm đối tượng ăn, sinh hoạt tập trung trong những toà nhà cao tầng ở đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng.
Lấy danh nghĩa là một doanh nghiệp được cấp phép hợp pháp trong đặc khu, nhóm đối tượng tổ chức bài bản theo mô hình công ty với đầy đủ bộ phận quản lý, điều hành. Chúng phân chia thành tổ, nhóm, hoạt động theo quy chế, nội quy do những kẻ chủ mưu, cầm đầu đặt ra với cấp dưới; phân chia lợi ích theo lương tháng và phần trăm số tiền mỗi đối tượng lừa được của bị hại…
Những người làm việc tại đây được đào tạo, hướng dẫn để thực hiện theo nhiều "kịch bản" được soạn thảo rất công phu từ trước đó.
Theo kế hoạch có sẵn, các đối tượng sử dụng và xây dựng tài khoản Facebook ảo, mạo danh là những người thành công, giàu có, doanh nhân thành đạt, thường xuyên đăng tải hình ảnh ăn chơi, du lịch làm cho tài khoản ảo này giống thật để kết bạn, làm quen, tạo lòng tin với nhiều người ở Việt Nam.
Nhóm nạn nhân hướng đến là phụ nữ có điều kiện về kinh tế hoặc có nhiều mối quan hệ xã hội. Với các “bẫy tâm lý” được dàn dựng tinh vi, khi gây dựng được mối quan tình cảm, gây dựng sự tin tưởng với các bị hại nhóm đối tượng bọn sẽ lôi kéo, rủ rê họ đầu tư kinh doanh trên mạng để hưởng % hoa hồng cao, lợi nhuận.
Thời gian đầu hoạt động này mang đến cho các bị hại những khoản lợi nhuận rất tốt nên sẽ ngày càng đầu tư vào với số tiền ngày càng nhiều hơn. Đến lúc không thể đầu tư thêm thì các đối tượng sẽ “giết khách” bằng cách tạo ra nhiều lý do khác nhau để cắt liên lạc từ đó chiếm đoạt tiền bị hại đã đầu tư vào. Với phương thức đó trong 2 năm hoạt động, tổ chức tội phạm quốc tế này đã thực hiện hàng chục nghìn bị hại, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng..
Trở lại chiến công của lực lượng chức năng trong việc “xoá sổ” đường dây tội phạm này, theo chia sẻ của Đại tá Phạm Thanh Phương - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, đây là chiến công đặc biệt xuất sắc của Công an Việt Nam, Công an Lào. Thành công của chuyên án là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nghiệp vụ Việt Nam và Lào, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội của hai nước Việt - Lào.