Kinh tế thế giới

Châu Á - Thái Bình Dương đối mặt với thách thức chuyển đổi năng lượng

Cẩm Anh 10/08/2024 03:00

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu khu vực châu Á - Thái Bình Dương không giải quyết nhu cầu năng lượng tăng cao, sẽ gặp thách thức chuyển đổi năng lượng.

untitled.jpg
Một trang trại năng lượng mặt trời nhỏ ở Puchong, Malaysia. Ảnh: Shutterstock

Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương chuẩn bị đón nhận sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như sự tăng trưởng của các trung tâm dữ liệu sử dụng nhiều năng lượng. Tuy nhiên, điều này sẽ gây ra những lo ngại về quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của khu vực.

Từ Singapore đến Ấn Độ, các quốc gia đang tìm cách lưu trữ nhiều dữ liệu nhạy cảm hơn vì rủi ro gia tăng trong một thế giới đầy rẫy những căng thẳng địa chính trị bao gồm cả căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Việc thúc đẩy lưu trữ và xử lý dữ liệu trong nước sẽ làm tăng nhu cầu về các trung tâm dữ liệu, gây áp lực rất lớn lên các nguồn tài nguyên như đất, nước và đặc biệt là năng lượng. Điều này đòi hỏi công suất năng lượng tái tạo của khu vực cần được mở rộng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu gia tăng và vẫn đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không.

Bên cạnh đó, những công ty mới tham gia thị trường có khả năng sẽ khai thác các nguồn năng lượng không tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện năng khổng lồ của các trung tâm dữ liệu này, tạo ra một lớp rủi ro mới về quá trình chuyển đổi carbon.

Theo báo cáo của Moody's được công bố vào tháng trước, các trung tâm dữ liệu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi công suất vào năm 2028.

Công suất tại các thị trường trung tâm dữ liệu mới nổi, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines, sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng từ 29% đến 48% cho đến năm 2025.

Trên thực tế, nhiều quốc gia trong khu vực đã tìm cách thức giải quyết các vấn đề về môi trường. Cụ thể, một số quốc gia như Australia và Singapore đã yêu cầu các trung tâm dữ liệu mới phải tuân thủ một số hướng dẫn nhất định để giảm thiểu khí thải.

Singapore đã chấm dứt lệnh tạm dừng hoạt động đối với các trung tâm dữ liệu vào tháng 1 năm 2022 nhưng yêu cầu các trung tâm dữ liệu phải sử dụng tiết kiệm năng lượng.

untitleda.jpg
Một trung tâm dữ liệu ở tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra, năng lượng tái tạo có bản chất không liên tục, đây là thách thức cho các trung tâm dữ liệu đòi hỏi luồng năng lượng ổn định và liên tục. Do đó, lưới điện ở nhiều nơi trong khu vực vẫn chưa có đủ khả năng tích hợp lượng lớn năng lượng tái tạo.

Hiện nay, một loạt các giải pháp sáng tạo đang hứa hẹn sẽ giảm bớt vấn đề này, bao gồm các công nghệ lưu trữ năng lượng cho năng lượng tái tạo.

Các quốc gia cũng có thể đầu tư vào các giải pháp như kết hợp năng lượng tái tạo với năng lượng nhiên liệu hóa thạch và đầu tư vào quá trình hiện đại hóa lưới điện .

"Mặc dù từng quốc gia sẽ có những lợi thế địa lý khác nhau nhưng nhìn chung, các nước trong khu vực đang có vị thế tốt để thực hiện chuyển đổi sang năng lượng tái tạo", ông Carlos Torres Diaz, Giám đốc nghiên cứu thị trường khí đốt và điện tại Rystad Energy cho biết.

Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Australia đã liên tục mở rộng năng lực năng lượng tái tạo của mình thông qua các chính sách nhằm giảm phát thải carbon.

Việc Trung Quốc mở rộng công suất điện mặt trời và điện gió trong năm nay dự kiến ​​sẽ giúp Bắc Kinh loại bỏ dần việc sử dụng điện than trong một số ngành sản xuất; trong khi sự phụ thuộc của Ấn Độ vào điện than vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn vì nhu cầu điện vượt xa công suất năng lượng tái tạo.

Ông Diaz cho biết: "Các quốc gia cần đặt ra các mục tiêu rõ ràng về gia tăng năng lực sản xuất năng lượng tái tạo và đưa ra các ưu đãi phù hợp; cũng như có các quy tắc và cơ chế thị trường rõ ràng để đảm bảo các dự án có lãi cho các chủ đầu tư".

Đồng quan điểm, Vineet Mittal, Chủ tịch Avaada Group của Ấn Độ cũng bày tỏ sự lạc quan về việc năng lượng tái tạo sẽ chiếm phần lớn do sự bùng nổ của AI.

Cẩm Anh