Kinh tế

Giá phân bón sẽ đi ngang trong quý III/2024?

ĐÌNH ĐẠI 10/08/2024 03:30

VCBS dự báo, giá phân bón quý III/2024 sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ theo biến động của giá Urê thế giới vào đầu quý III và tăng trở lại vào cuối quý III năm nay khi bước vào vụ Đông Xuân.

phan-bon.jpg
Giá phân bón được dự báo sẽ đi ngang trong quý III/2024 - Ảnh minh họa.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024 cả nước xuất khẩu 903.095 tấn phân bón các loại, tương đương 362,09 triệu USD, giá phân bón trung bình đạt 400,9 USD/tấn, tăng 12,8% về khối lượng và tăng 7,8% về kim ngạch nhưng giảm 4,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng trong tháng 6/2024 xuất khẩu đạt 172.985 tấn phân bón các loại, với giá trị đạt 64,26 triệu USD, giá 371,5 USD/tấn, tăng mạnh 77,8% về khối lượng, tăng 55,2% kim ngạch nhưng giảm 12,7% về giá so với tháng 5/2024, So với tháng 6/2023 cũng tăng 60,7% về lượng, tăng 37,6% kim ngạch nhưng giảm 14,1% về giá.

Về thị trường, phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia. Riêng thị trường này đã chiếm 27,7% trong tổng khối lượng và chiếm 28,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 250.019 tấn, tương đương 102,23 triệu USD, giá trung bình 408,9 USD/tấn, giảm 14% về lượng, giảm 16,5% kim ngạch và giá giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng trong tháng 6/2024 xuất khẩu sang thị trường Campuchia đạt 61.227 tấn, tương đương 25,75 triệu USD, giá trung bình 420,6 USD/tấn, tăng 43% về lượng, tăng 50,7% kim ngạch, giá tăng 5,4% so với tháng 5/2024.

Đứng sau thị trường chủ đạo Campuchia là thị trường Hàn Quốc đạt 95.667 tấn, tương đương trên 39,53 triệu USD, giá trung bình 413,2 USD/tấn, tăng 98,9% về lượng, tăng 122,8% kim ngạch và tăng 12% về giá, chiếm gần 11% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.

Xuất khẩu sang thị trường Malaysia đạt 60.295 tấn, tương đương 21,61 triệu USD, giá trung bình 358,4 USD/tấn, tăng 23,5% về lượng, tăng 34,5% kim ngạch và giá tăng 8,9%, chiếm 6,7% trong tổng khối lượng và chiếm 6% trong tổng kim ngạch.

Theo Công ty Chứng khoán VCBS, kết thúc quý II/2024, giá phân bón Urê Thế giới ghi nhận mức tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ và giảm 9% so với quý trước, chủ yếu do: Nguồn cung ở thị trường dư thừa, đặc biệt ở Trung Đông. Hàng tồn kho cao ở Ai Cập, Algeria, Nigeria đã gây áp lực lên giá; Nhu cầu thấp, Ấn Độ cắt giảm sản lượng mua hàng; Giá tăng trở lại vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 chủ yếu do nguồn cung tại Ai Cập bị thắt chặt bởi thiếu khí đốt. Bên cạnh đó, tin tức Trung Quốc có thể xuất khẩu trở tiếp tục bị trì hoãn đã hỗ trợ xu hướng giá tăng.

VCBS cho rằng, giá phân bón Urê trong quý III/2024 sẽ giảm trở lại trong tháng 7 và 8 trước khi tăng trở lại vào cuối quý III do: Thị trường Urê trong quý III sẽ vẫn chịu nhiều áp lực về nguồn cung; Kỳ vọng nhu cầu ở các thị trường nhập khẩu sẽ tăng trở lại từ tháng 9 khi bước vào vụ mùa (lúa mì, ngô) của thế giới.

“Chúng tôi cũng lưu ý, khả năng xuất khẩu Urê trở lại của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng có thể ảnh hưởng mạnh tới dự báo xu hướng giá phân bón của chúng tôi”, VCBS lưu ý.

phanbon.jpg
Nguồn: IRR, Agromonitor, Worldbank, VCBS tổng hợp

Tại thị trường trong nước, VCBS kỳ vọng, giá nội địa sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ trong bối cảnh trái vụ. Giá Urê trong nước quý II tăng 3%-6% so với cùng kỳ, tích cực hơn so với xu hướng giá của Urê thế giới chủ yếu do: Nhu cầu tăng do vào vụ hè thu; Các nhà sản xuất trong nước chào giá không đổi hoặc giảm nhẹ trong giai đoạn giá giảm vào tháng 4 và tháng 5, ra hàng chậm để hỗ trợ xu hướng giá; Giá Urê trong nước diễn biến tăng trở lại theo xu hướng giá thế giới vào tháng 6; Nền giá phân bón cùng kỳ thấp.

Nhận định về triển vọng ngắn hạn, Công ty Chứng khoán này cho rằng, giá Urê quý III được dự báo đi ngang hoặc giảm nhẹtheo biến động của giá Urê thế giới vào đầu quý III vàtăng trở lại vào cuối quý III khi bước vào vụ ĐôngXuân.

“Việc áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh giá bán phân bón sản xuất trong nước, giúp tăng thêm tính cạnh tranh với mặt hàng phân bón nhập khẩu”, VCBS nhận định.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, ngành phân bón nội địa đã bước vào giai đoạn bão hòa khi diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp và công suất sản xuất dư thừa. Năm 2024 được dự báo là một năm ổn định đối với ngành phân bón do giá bán và sản lượng tiêu thụ không còn nhiều dư địa tăng trưởng.

VDSC dự báo nguồn cung Urê thế giới trong năm 2024 được đảm bảo chủ yếu từ các nước xuất khẩu lớn như Trung Quốc và Nga. Phía cầu, Ấn Độ và Brazil là hai nước nhập khẩu Urê lớn nhất thế giới, ước tính tổng sản lượng Urê nhập khẩu từ hai nước này khoảng 13 – 14 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng phân bón diễn ra trong giai đoạn 2021 – 2022, khi giá phân bón tăng cao ảnh hưởng tiêu cực đến ngành nông nghiệp và an ninh lương thực quốc gia, để giảm sự phụ thuộc vào nguồn phân bón nhập khẩu và bảo hộ nguồn nông nghiệp nội địa, Chính phủ hai nước có kế hoạch gia tăng công suất sản xuất Urê.

Với nhu cầu nhập khẩu từ các nước lớn giảm trong năm 2024, trong khi nguồn cung từ Trung Quốc và Nga vẫn hiện hữu, Hiệp hội lương thực thế giới (IFA) dự báo giá Urê có thể dao động từ USD 320- 350/tần trong năm 2024, không chênh lệch quá nhiều so với mức trung bình USD 358/tấn trong năm 2023. VDSC kỳ vọng giá Urê nội địa trong năm 2024 có thể giảm từ 3% - 5% so với cùng kỳ tương quan với diễn biến giá Urê thế giới.

Với phân khúc NPK, VDSC cho rằng, thị trường NPK nội địa phân tán khi các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh chiếm 52% thị phần, trong khi 2 doanh nghiệp có sản lượng lớn nhất nước là BFC và LAS chỉ chiếm lần lượt 15% và 19%.

Theo VDSC, NPK có tốc độ giảm giá chậm hơn các loại phân đơn khác, đồng thời duy trì được giá bán ổn định hơn các loại phân đơn, nguyên nhân chính là do tính kinh tế loại phân bón này mang lại.

“Đặc biệt, dự thảo Luật thuế VAT sửa đổi (dự kiến có hiệu lực từ năm 2025) sẽ là một điểm sáng của ngành phân bón trong năm nay. Một trong những điểm sửa đổi lần này là đưa phân bón vào danh mục chịu thuế VAT 5% (từ diện không chịu thuế)”, VDSC đánh giá.

ĐÌNH ĐẠI