Doanh nhân Cựu chiến binh Thái Nguyên: Tiên phong trên mọi mặt trận
Phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, các doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên luôn đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phát triển sản xuất kinh doanh, có nhiều đóng góp vào KT-XH địa phương.
“Ngôi nhà chung” của những cựu quân nhân
Hiệp hội doanh nhân Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Thái Nguyên được thành lập tháng 4/2016. Hiệp hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp được thành lập với mục tiêu kết nối, hỗ trợ các doanh nhân CCB tham gia sản xuất, kinh doanh. Phát huy vai trò người lính trên mặt trận kinh tế, các doanh nghiệp doanh nhân CCB đã đoàn kết phấn đấu xây dựng Hiệp hội không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến thời điểm hiện tại, Hiệp hội đã có gần 300 hội viên tham gia, sinh hoạt tại 9 chi hội trực thuộc.
Cựu chiến binh, doanh nhân Nguyễn Đức Cổn, Giám đốc công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Cường Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân CCB tỉnh Thái Nguyên cho biết, Hiệp hội được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của hội viên CCB đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, trang trại, các chủ hộ kinh doanh… với đầy đủ các ngành nghề từ sản xuất công nghiệp, cơ khí, xây dựng, kinh doanh thương mại, du lịch, chăn nuôi, trồng trọt… để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu, học hỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau, tạo liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên.
Phát huy phẩm chất của người lính, với tinh thần “Đoàn kết - kỷ cương - nghĩa tình - hợp tác cùng phát triển”, Hiệp hội đang tích cực xây dựng văn hóa doanh nhân CCB theo các tiêu chí: Nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội.
Hiện nay, các hội viên đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 8.000 lao động, với mức thu nhập bình quân đạt 10-15 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu hàng năm của các Hội viên đạt trên 15.000 tỷ đồng; không có doanh nghiệp nợ đọng thuế, bảo hiểm xã hội hoặc nợ lương người lao động.
Đặc biệt, tinh thần đoàn kết của Hiệp hội được thể hiện thông qua việc hương hỗ nhau phát triển kinh tế của các Hội viên. Bất kỳ doanh nghiệp, hộ kinh nào thuộc Hiệp hội gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, các Hội viên đều chung tay giúp đỡ, từ đó doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn, dần phục hồi quá trình sản xuất, kinh doanh.
Chàng cựu quân nhân đi lên từ hai bàn tay trắng
Một ngày đầu tháng 8/2024, phóng viên có dịp đến thăm công ty TNHH Cơ khí và thương mại Nhân Đức tại xã Sơn Cẩm, thành phố Thái Nguyên của anh Hà Như Quỳnh – Chủ tịch HĐQT. Ấn tượng ban đầu của chúng tôi khi thấy một cơ sở sản xuất khang trang, rộng lớn với hàng chục công nhân đang lao động hăng say và một ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc hiện đại, nơi mà gia đình anh đang sinh sống.
Anh Hà Như Quỳnh được mệnh danh là chàng cựu quân nhân nghèo đi lên từ hai bàn tay trắng, vươn lên làm giàu chính đáng bằng công sức, trí tuệ của mình. Nói về điều này, anh Hà Minh Đức chỉ cười, nói: Bản thân sinh ra tại xã Bình Sơn, huyện Sông Công (nay là thành phố Sông Công) – một vùng quê nghèo thuộc diện chính sách 135 (xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc diện xóa đói giảm nghèo theo Chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ) nên anh sớm nhận thức được rằng chỉ có học tập, rèn luyện và nỗ lực phấn đấu thì mới sớm thoát khỏi được cảnh nghèo khó.
Sau khi rời quân ngũ, anh bắt đầu lập nghiệp từ nguồn vốn vay 60 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Anh Quỳnh đã thuê đất, đầu tư nhà xưởng để sản xuất, gia công cơ khí, chế tạo máy và thiết bị phục vụ ngành khai thác khoáng sản, nông nghiệp, công nghiệp. Công việc ban đầu gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng nhờ áp dụng những kiến thức được đào tạo tại nhà trường, cộng với tinh thần người lính, chịu khó, chịu khổ, năng động, sáng tạo, doanh nghiệp của anh hoạt động ổn định và ngày càng phát triển. Hiện nay, với hơn 20 công nhân lao động, trong đó có 02 kỹ sư và nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các trường Đại học, Cao đẳng khác nhau, các sản phẩm của anh đã đáp ứng được yêu cầu của những khách hàng lớn trong nước, phục vụ cho các doanh nghiệp của những cựu chiến binh trong Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Thái Nguyên, đồng thời xuất khẩu sang thị trường một số nước Đông Nam Á và châu Phi.
Anh Hà Như Quỳnh chia sẻ: Do xuất phát điểm thấp, cùng với quãng thời gian “nằm gai nếm mật” nên anh luôn tự nhủ phải nỗ lực không ngừng nghỉ, học tập, sáng tạo để tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, công ty luôn quan tâm, chăm sóc tới đời sống công nhân, đặc biệt là con em của các Cựu chiến binh trong tỉnh, có những chính sách đãi ngộ xứng đáng để giữ chân người lao động, từ đó đưa doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo niềm tin với đối tác, khách hàng.
Ông Phạm Văn Uân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Thái Nguyên đánh giá, hội viên Hà Như Quỳnh là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, điển hình về ý chí vươn lên làm giàu bằng nghị lực, tinh thần của một người lính; góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới những người lính, cựu quân nhân trẻ vươn lên trong cuộc sống.
Người Cựu chiến binh – Nông dân Việt Nam xuất sắc
Tiếp tục theo chân các doanh nhân CCB tỉnh Thái Nguyên, phóng viên đến thăm trang trại chăn nuôi gà tại thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình của gia đình ông Nguyễn Văn Đường.
Người dân nơi đây đã không còn xa lạ với hình ảnh người “tỷ phú nông dân” với mô hình “chăn nuôi gà bố mẹ và ấp nở gà giống” được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Chứng nhận là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2019.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đường cho biết, trang trại của ông hiện nay đang nuôi khoảng hơn 13.000 con gà đẻ, có 28 lò ấp, mỗi lò khoảng gần 20.000 trứng, trung bình cứ 3 ngày xuất ra thị trường khoảng 17.000 con gà giống; tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập bình quân từ 7-12 triệu đồng/tháng.
Ngoài việc phòng trừ dịch bệnh tuyệt đối trên đàn gia cầm, đảm bảo kiểm soát mầm bệnh để đưa ra thị trường những con giống đảm bảo chất lượng, được khách hàng tin tưởng, ông Đường thường xuyên học hỏi, tìm hiểu để ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào quá trình chăn nuôi và sản xuất trứng. Do đó, từ năm 2021, ông đã đầu tư lắp đặt hệ thống lò ấp trứng công nghệ mới. Toàn bộ quá trình ấp trứng đều được tự động hóa, không phải đảo bằng tay, tỷ lệ ấp nở đúng ngày đạt 99%.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB huyện Phú Bình nhận xét: Ông Đường xuất thân từ một người lính, vươn lên làm giàu tại địa phương là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại thị trấn Hương Sơn và của huyện Phú Bình. Không chỉ thành công trong sản xuất kinh doanh, ông và gia đình còn tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện và công tác an sinh xã hội địa phương. Ông cũng tích cực chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, giúp nhiều hộ gia đình cùng phát triển kinh tế.
Phát triển kinh tế xanh, vươn lên làm giàu
Ông Dương Văn Thịnh (huyện Phú Bình, Thái Nguyên) xung phong nhập ngũ khi mới 17 tuổi, từng tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường khốc liệt như: Dầu Giây, Đồng Xoài, Xuân Lộc,... trước khi bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đất nước thống nhất, ông tiếp tục tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Năm 1978, ông bị thương được chuyển ra Bắc điều trị và phục viên. Năm 1981, ông tham gia công tác tại Chi cục Thuế huyện Phú Bình và nghỉ hưu từ năm 2017. Nhiều năm qua, hình ảnh một cán bộ của Chi cục Thuế huyện Phú Bình sớm sớm, chiều chiều ngoài giờ làm việc lại vận bộ quần áo bay đã bạc màu cắt cỏ, phát cây đã trở nên gần gũi với người dân ở Tổ dân phố Tây, thị trấn Hương Sơn (huyện Phú Bình).
Ở tuổi 67, ông Thịnh vẫn luôn hăng say lao động sản xuất, coi việc chăm lo, phát triển kinh tế xanh là niềm vui và nguồn động lực to lớn để ông giữ vững tinh thần và sức khỏe (ông Thịnh là một bệnh binh – PV). Hiện nay, ông đang sở hữu nhiều trang trại với quy mô lớn, canh tác các loại cây có giá trị kinh tế, như: keo, bưởi, ổi, chè,… Đồng thời, ông Thịnh còn kinh doanh dịch vụ lưu trú (nhà nghỉ), cổ phần kinh doanh dịch vụ xăng dầu,… Đời sống vật chất và tinh thần luôn đảm bảo và ở mức cao, các con đều thành đạt, trở thành Tiến sĩ, Thạc sĩ khoa học.
Trò chuyện cùng Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Dương Văn Thịnh phấn khởi cho rằng: “Tham gia Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Thái Nguyên cùng với Hội Doanh nhân CCB huyện Phú Bình ông luôn cảm thấy ấm áp tinh thần người lính, củng cố tư thế, tác phong của một quân nhân. Hiệp hội như một “ngôi nhà chung”, là điểm tựa để các hội viên thêm tự tin, bản lĩnh vượt qua mọi “sóng gió” thương trường.
Không chỉ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho gia đình và xã hội, hoạt động tình nghĩa, an sinh xã hội luôn được các hội viên hưởng ứng nhiệt tình, sôi nổi, thể hiện tình đồng chí, đồng đội và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.