Sửa Luật Điện lực: Cần đa dạng hóa hợp đồng giao dịch mua bán điện tương lai
Để đảm bảo tuân thủ đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW về thị trường điện cạnh tranh, góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), chuyên gia cho rằng, không nên hạn chế giao dịch mua bán điện tương lai ở một dạng hợp đồng duy nhất…
Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) hiện đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi là bản sửa đổi lần thứ 5, Dự thảo Luật (sửa đổi) gồm 9 Chương, 121 Điều với 6 nhóm chính sách lớn.
Mặc dù đã đạt được những tín hiệu tích cực về mặt nội dung đề xuất sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, tuy nhiên, theo chuyên gia, Dự thảo Luật (sửa đổi) vẫn còn vướng vì một số quy định, trong đó có vấn đề về hợp đồng giao dịch mua bán điện tương lai.
Góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) mới đây, ông Dương Đức Quang - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng, theo chủ trương của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Ban chấp hành Trung ương, thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam đã được triển khai, phát triển qua hai giai đoạn (thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh).
Theo ông Quang, ở các giai đoạn tiếp theo, cơ chế mua bán điện thông qua các hợp đồng phòng vệ rủi ro biến động giá được đặt ra nhằm thực hiện mục tiêu vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Nếu Dự thảo Luật (sửa đổi) chỉ quy định “hợp đồng kỳ hạn” mà không quy định thêm “hợp đồng quyền chọn” thì chưa đầy đủ các công cụ bảo hiểm giá, chưa thể triển khai một cách toàn diện mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Trên thế giới, tại Hoa Kỳ, Australia và New Zealand, hợp đồng quyền chọn được áp dụng phổ biến cho mặt hàng điện. Như, tại Hoa Kỳ, Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX, thuộc CME Group) và Sở Giao dịch hàng hóa liên lục địa (ICE US) đã niêm yết hợp đồng quyền chọn về điện với tài sản cơ sở là hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn điện.
Hay như Sở Giao dịch chứng khoán Australia (ASX) đã niêm yết hợp đồng quyền chọn điện tại Australia và New Zealand. Các hợp đồng quyền chọn điện tại Australia gồm hợp đồng quyền chọn phụ tải cơ sở theo năm dương lịch, hợp đồng quyền chọn phụ tải cơ sở theo năm tài chính, hợp đồng quyền chọn giá trung bình hàng quý. Các hợp đồng quyền chọn điện tại New Zealand gồm hợp đồng quyền chọn phụ tải cơ sở giá trung bình, hợp đồng quyền chọn phụ tải cơ sở.
Ngoài ra, ở Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý… hợp đồng quyền chọn hiện đang được áp dụng cho mặt hàng điện thông qua các sản phẩm kỳ hạn, quyền chọn hoặc hợp đồng giao ngay trên Sàn giao dịch năng lượng Châu Âu (EEX).
“Một số chuyên gia, đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong ngành điện lực cho rằng, thị trường điện Việt Nam không nên hạn chế giao dịch mua bán điện tương lai ở một dạng hợp đồng duy nhất là hợp đồng kỳ hạn, mà cần phải mở rộng thêm nhiều dạng hợp đồng khác như hợp đồng quyền chọn. Với mục tiêu tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, Dự thảo Luật cần có tính ổn định, bền vững nhất định, đồng thời cần bắt kịp với các thay đổi nhanh chóng của thực tiễn”, ông Quang chia sẻ.
Từ đó, vị này cho rằng, về giải thích từ ngữ (Điều 4), cần sổ sung khái niệm “Thị trường điện kỳ hạn”, ngay sau khoản 34 theo hướng: “Thị trường điện kỳ hạn là thị trường mua, bán các hợp đồng điện năng trong đó giá mua bán được ấn định trước cho các chu kỳ giao dịch do đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện thực hiện trong tương lai”. Đồng thời, cần quy định về việc giao Chính phủ hoặc Bộ Công Thương quy định chi tiết về thị trường điện kỳ hạn.
Không chỉ có vậy, cần bổ sung khái niệm “Hợp đồng quyền chọn điện”, bởi tại Việt Nam, Luật Thương mại năm 2005 (khoản 3 Điều 64) đã quy định: “Hợp đồng về quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán là thỏa thuận, theo đó bên mua quyền có quyền được mua hoặc được bán một hàng hóa xác định với mức giá định trước (gọi là giá giao kết) và phải trả một khoản tiền nhất định để mua quyền này (gọi là tiền mua quyền). Bên mua quyền có quyền chọn thực hiện hoặc không thực hiện việc mua hoặc bán hàng hóa đó”.
“Có thể thấy, việc sử dụng hợp đồng quyền chọn tại thị trường điện lực Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn giao dịch của thị trường điện lực trên thế giới. Đồng thời, pháp luật Việt Nam đã có đầy đủ các quy định về loại hợp đồng này để làm cơ sở pháp lý cho các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh có thể sử dụng, triển khai trong thực tiễn giao dịch, mua bán trên thị trường điện lực.
Để góp phần thúc đẩy triển khai cấp độ về thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trong các năm sắp tới và đáp ứng yêu cầu “rà soát, điều chỉnh các quy định về kiểm soát và điều phối thị trường điện lực” và “đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh” tại khoản 2 Phần III Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần thiết bổ sung khái niệm “Hợp đồng quyền chọn điện” ngay sau khoản 21 Điều 4 của Dự thảo về “Hợp đồng kỳ hạn điện”. Bên cạnh đó, bổ sung các nội dung về “Hợp đồng quyền chọn điện” trong thị trường điện với kết cấu tương đồng như quy định về “Hợp đồng kỳ hạn điện” tại Dự thảo Luật”, đại diện MXV kiến nghị.
Ngoài nội dung đã nêu, liên quan đến vấn đề giá điện, mặc dù Dự thảo Luật (sửa đổi) đã đề ra một loạt các khung giá như: giá bán buôn, giá bán lẻ điện; giá dịch vụ phát điện… tuy nhiên, không ít ý kiến cũng đề xuất, các khung giá được ban hành cần tính đến tính chủ động, cũng như quy định mở để việc đàm phán các hợp đồng mua bán giữa hai doanh nghiệp với nhau… hướng đến mục tiêu Nhà nước không can thiệp.
Được biết, Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10 tới đây.