Ngân hàng - Chứng khoán

Đồng ý hay không, cổ phiếu HBC vẫn sẽ hủy niêm yết

ĐÌNH ĐẠI 11/08/2024 04:00

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã Quyết định huỷ niêm yết bắt buộc với cổ phiếu HBC của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, do doanh nghiệp có tổng lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp.

Cụ thể, HoSE đã quyết định huỷ niêm yết bắt buộc hơn 347,2 triệu cổ phiếu HBC. Cổ phiếu HBC sẽ giao dịch phiên cuối cùng vào ngày 5/9 và chính thức không còn giao dịch trên sàn HoSE từ ngày 6/9.

hbc-1.jpg
Hơn 347,2 triệu cổ phiếu HBC sẽ chính thức bị hủy niêm yết trên sàn HoSE từ ngày 6/9 - Ảnh: HBC.

Lý do được HoSE đưa ra do HBC có tổng lỗ luỹ kể vượt quá số vốn điều lệ thực góp căn cử Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, thuộc trường hợp chứng khoán bị huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.

Trước đó, vào ngày 26/7, HoSE cũng đã có thông báo gửi Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình về việc hủy niêm yết bắt buộc. Ngay sau thông tin cổ phiều có thể bị huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE, cổ đông lớn Hyundai Elevator Co., Ltd đã bán ra 5 triệu cổ phiếu HBC để giảm sở hữu từ 28,06 triệu cổ phiếu, tương đương 8,08% vốn điều lệ về còn 23,06 triệu cổ phiếu, tương đương 6,64% vốn điều lệ của HBC, giao dịch được thực hiện vào ngày 31/7.

Sau khi nhận Thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng đã gửi văn bản cho HoSE khẳng định không đồng ý với các căn cứ mà HoSE áp dụng đề xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC.

Theo HBC, Thứ nhất, điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ không quy định chi tiết về việc xem xét điều kiện lỗ lũy kề trên báo cáo tài chính kiêm toán hợp nhất hay trên báo cáo tài chính kiểm toán riêng. Hiện nay, chưa có bất kỳ văn bản pháp luật của cơ quan có thẩm quyền nào hướng dẫn áp dụng hay giải thích pháp luật đối với trường hợp này.

Đối với trường hợp của Tập đoàn Hòa Bình, vốn điều lệ của Công ty là hơn 2.741 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính kiểm toán riêng năm 2023 là âm hơn 2.401 tỷ đồng và tại báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2023 là âm hơn 3.240 tỷ đồng. Như vậy, tổng số lỗ luỹ kế của HBC trên báo cáo tài chính kiểm toán riêng chưa vượt quá số vốn điều lệ của Công ty nên không thuộc trường hợp hủy bỏ niêm yết theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

Thứ hai, việc HoSE căn cứ vào tiền lệ trước đây (lịch sử áp dụng) để xem xét hủy niêm yết cổ phiếu HBC là không phù hợp với pháp luật hiện hành. Cụ thể, trước đây Quy chế niêm yết chứng khoán tại HoSE ban hành kèm theo Quyết định số 85/QĐ-SGDHCM ngày 19/03/2018 có hướng dẫn về việc căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất để xem xét điều kiện lỗ lũy kế đối với tổ chức niêm yết có công ty con, nên các trường hợp tương tự Tập đoàn Hòa Bình trong lịch sử bị hủy niêm yết là phù hợp.

Tuy nhiên, HBC cho rằng, ngày 31/3/2022 Hội đồng thành viên HoSE đã ban hành Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV đã bỏ quy định nêu trên của Quy chế cũ. Do đó, ở thời điểm hiện tại, việc HoSE căn cứ vào tiền lệ trước đây (lịch sử áp dụng), nguyên tắc tương tự hay bất kỳ căn cứ nào khác không phải là quy định pháp luật hiện hành thì đều là không phù hợp quy định pháp luật.

cphbc.jpg
Ngay sau khi thông tin sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc, cổ phiếu HBC đã có chuỗi nhiều phiên giảm giá liên tục. Hiện thị giá HBC chỉ còn 4.970 đồng/cổ phiếu.

"Ban lãnh đạo ý thức được các hệ lụy vô cùng nghiêm trọng của việc hủy bỏ niêm yết đối với cổ phiếu của Công ty. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 39.000 cổ đông và hàng nghìn người lao động đang phụ thuộc kinh tế vào Công ty, đồng thời ảnh hưởng đến hơn 1.400 nhà cung cấp, nhà thầu phụ với hàng trăm nghìn người lao động của các doanh nghiệp", văn bản của HBC nêu.

Đồng thời, lãnh đạo HBC mong HoSE xem xét, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định liên quan đến việc hủy bỏ niêm yết đối với cổ phiếu của Công ty. Điều này nhằm tạo điều kiện cho Hòa Bình, duy trì đảm bảo hoạt động liên tục nhằm làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm với cổ đông cùng các bên liên quan.

Như vậy với quyết định mới nhất của HoSE, cổ phiếu HBC sẽ chỉ còn cơ hội tái xuất hiện tại sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam một lần nữa sau ngày 6/9, đó là khi đáp ứng đủ điều kiện để niêm yết trở lại.

Về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2024, HBC mang về gần 2.160 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 684 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức lỗ hơn 268 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023.

Có được mức lợi nhuận đột biến này là do HBC được hoàn nhập hơn 220 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, nhờ hoàn nhập gần 293 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi. Trong quý đầu năm, HBC cũng đã hoàn nhập gần 89 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khoản lợi nhuận khác trong quý II của HBC cũng tăng đột biến lên gần 515 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ 0,8 tỷ đồng. Theo thuyết minh, đây là khoản lợi nhuận đến từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của HBC đạt hơn 3.810 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 741 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ hơn 713 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023. Với kết quả đột biến trên, doanh nghiệp đã “về đích” sớm lợi nhuận cả năm 2024 sau nửa năm.

Mặc dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng đột biến, nhưng do thua lỗ trong 2 năm liên tục, nên lỗ lũy kế của HBC đến nửa năm nay đã gần 2.500 tỷ đồng, chiếm 72% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Nợ vay tài chính của doanh nghiệp này cũng ở mức 4.485 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.

Chứng khoán VCBS đánh giá, khoản lỗ lũy kế trong năm 2022 và 2023 khiến vốn chủ sở hữu của HBC thâm hụt nghiêm trọng. Đồng thời CTCK này cho rằng, với cơ cấu tài chính tương đối mong manh với khoản lỗ lũy kế sau 2 năm, việc tái cơ cấu trong thời điểm hiện tại với HBC là cấp thiết. Những chiến lược HBC áp dụng bao gồm: bán nợ, hoán đổi nợ, phát hành riêng lẻ và chuyển nhượng thiết bị xây dựng.

Công ty Chứng khoán này kỳ vọng, trong trường hợp những phương án cơ cấu trên thành công, lãi ghi nhận sẽ phần nào bù đắp khoản lỗ lũy kế trong vốn chủ sở hữu, tạo bộ đệm nguồn vốn dày hơn cho doanh nghiệp, trở thành động lực phục hồi trong thời gian tới.

Tuy nhiên, VCBS đánh giá, đây chỉ là giải pháp hỗ trợ tạm thời, không mang tính bền vững. Trong bối cảnh ngành xây dựng có tính cạnh tranh cao, các chủ đầu tư thường ưu tiên những doanh nghiệp xây dựng có cơ cấu tài chính vững, do đó HBC cần cải thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi, khôi phục vị thế doanh nghiệp để có thể kết nối với nhiều chủ đầu tư lớn, mở rộng quy mô dự án.

Trên thị trường, ngay sau khi xuất hiện thông tin cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE, cổ phiếu HBC đang trải qua chuỗi 10 phiên giảm giá từ ngày 25/7 đến nay, trong đó có 5 phiên nằm sàn, từ vùng giá 7.290 đồng/cổ phiếu, xuống còn 4.970 đồng/cổ phiếu (chốt phiên giao dịch ngày 9/8), tương đương với mức giảm gần 46,7%.

ĐÌNH ĐẠI