“Bước ngoặt” của DPM
Sau nhiều nỗ lực tái cấu trúc mô hình kinh doanh, Tổng Công ty Phân bón Hoá chất Dầu khí (HoSE: DPM) đã đạt được những kết quả rõ rệt.
Chỉ sau 6 tháng đầu năm 2024, DPM đã thực hiện được 93% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của năm 2024.
Đẩy mạnh tái cấu trúc
Trong những tháng đầu năm nay, DPM đối mặt với nhiều khó khăn khi giá khí đầu vào tăng và cước phí vận chuyển cao, trong khi giá bán phân ure giảm mạnh do nhu cầu suy yếu tại các thị trường trọng điểm. Trước tình hình này, Ban Lãnh đạo DPM tiếp tục tiến hành tái cấu trúc toàn diện bộ máy, cập nhật chiến lược phát triển, đổi mới mô hình kinh doanh và quản trị rủi ro.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, DPM đặt nhiệm vụ vận hành các nhà máy an toàn, hiệu quả. Trong đó, ưu tiên hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh, hệ thống phân phối để phù hợp với bối cảnh thị trường hiện tại. Theo đó, DPM tận dụng mọi cơ hội xuất khẩu nhằm giảm áp lực dư cung từ thị trường nội địa.
Chuyển biến tích cực
Trong bối cảnh thị trường khó khăn cùng với những nỗ lực tái cấu trúc hệ thống, kết quả hoạt động của DPM nửa đầu năm 2024 đã vượt qua mong đợi và các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Cụ thể, doanh thu thuần từ bán hàng và lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt lần lượt 3.948 tỷ đồng và 235,5 tỷ đồng, tăng tương ứng 6,5% và 123% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của DPM đạt 503 tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương 93% so với kế hoạch năm.
Tính đến hết quý 2/2024, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt hơn 15.700 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tăng lên 12.000 tỷ đồng.
Triển vọng sẽ thế nào?
Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng tiêu thụ ure của DPM đạt 501 nghìn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng phân NPK đạt 87 nghìn tấn, hoàn thành 61% kế hoạch năm, tăng 21% so với cùng kỳ.
Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và khả năng chi trả phân bón được cải thiện do giá phân bón trên thế giới giảm. Hiện sản lượng tiêu thụ NPK cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2024 nhờ DPM tái cấu trúc điều chỉnh giá bán giảm, thúc đẩy sức mua cho nông dân.
Trong thời gian tới, thị trường chờ đợi kết quả phiên thầu mua hàng mới từ Ấn Độ để quyết định xu thế giá trong ngắn hạn. Sự hồi phục này phản ánh nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng tích cực, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách hạn chế xuất khẩu Ure và giảm công suất sản xuất tại một số khu vực khác. Thị trường trong nước được hỗ trợ bởi tâm lý tích cực từ thị trường toàn cầu và sức mua cải thiện khi khu vực miền Nam bước vào mùa mưa sau một đợt nắng nóng kéo dài. Thêm vào đó, sự gia tăng liên tục của giá nông sản đã hỗ trợ cải thiện đáng kể trong khả năng chi trả của nông dân.
Các chuyên gia phân tích của SSI cho rằng, với giá bán bình quân ure là 10.100 đồng/kg sẽ đem lại doanh thu và lợi nhuận vượt trội cho DPM. Về NPK, hiện sản lượng tiêu thụ dự kiến sẽ phục hồi lên lần lượt là 150 nghìn tấn và 165 nghìn tấn trong năm 2024 và 2025, tương đương với công suất hoạt động là 60% và 66%. Giá bán bình quân NPK dự kiến sẽ tăng với tốc độ chậm hơn nhiều so với giá bán ure do DPM có thể sẽ duy trì chính sách giá cạnh tranh để hỗ trợ sản lượng tiêu thụ. Về phân bón thương mại, ước tính doanh thu của DPM sẽ tăng lần lượt tăng 1% và 8% trong năm 2024 và 2025.
503 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2024 của DPM, tăng 37% so với cùng kỳ 2023.