Công nghệ

Gỡ vướng cho doanh nghiệp khoa học công nghệ

Bài: YẾN NHUNG - Ảnh: QUỐC TUẤN 11/08/2024 04:40

Để thúc đẩy doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển, các cơ quan, ban, ngành cần phối hợp tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp.

Hiện cả nước có hơn 800 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ trên tổng số 3.000 doanh nghiệp đủ điều kiện được công nhận. Đa số các doanh nghiệp khoa học công nghệ đang sản xuất tốt, tạo ra công ăn việc làm và đóng góp cho xã hội, trong đó có nhiều doanh nghiệp nằm trong tốp 500 doanh nghiệp tăng trưởng hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp không ít vướng mắc trong hoạt động.

Ki su VHT (2) (1)
Hiện cả nước có hơn 800 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ trên tổng số 3.000 doanh nghiệp đủ điều kiện được công nhận.

Theo đó, về ưu đãi tín dụng, doanh nghiệp khoa học công nghệ có tài sản trí tuệ nhưng không thể đem tài sản trí tuệ ra thế chấp vay vốn. Cùng với đó là vấn đề thuế thu nhập cá nhân chưa công bằng, chưa khuyến khích được động lực sáng tạo. Bởi những nhà khoa học tự bỏ tiền ra, chịu rủi ro để nghiên cứu, thử nghiệm rồi thương mại sản phẩm khoa học công nghệ cũng đóng thuế bằng người làm nghiên cứu dự án khoa học từ vốn nhà nước, được hưởng lương từ Nhà nước.

Đáng nói, doanh nghiệp khoa học công nghệ hiện nay chưa được hưởng đầy đủ ưu đãi theo quy định. Ví dụ, doanh nghiệp cần ưu đãi về đất đai nhưng hiện nay quỹ đất trong khu công nghiệp, khu sản xuất còn hạn chế nên quy định miễn tiền thuê đất khó áp dụng được. Hay như để nhận ưu đãi về thuế cũng khá khó khăn khi doanh nghiệp phải bảo đảm mức tăng trưởng và doanh thu từ khoa học công nghệ.

Một khó khăn khác mà doanh nghiệp khoa học công nghệ đang phải đối mặt liên quan đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay, quá trình xử lý các đơn đăng ký sở hữu trí tuệ thường kéo dài hơn hai năm. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng còn bất cập. Đó là trước khi tiến hành thanh tra, xác minh thì các đoàn thanh tra, cán bộ tòa án thường thông báo mốc thời gian đoàn thanh tra đến làm việc.

Việc thông báo trước thời gian vô hình trung tạo điều kiện cho đơn vị vi phạm tiến hành tẩu tán các sản phẩm vi phạm, gây khó khăn cho việc xác minh hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, chế tài xử phạt còn nhẹ và khó xác minh mức bồi thường thiệt hại. Cụ thể, tại Điều 16 Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 quy định” Thanh tra viên thuộc Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ đang thi hành công vụ có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 2 triệu đồng”. Mức quy định này là quá thấp so với thực tế giá trị tang vật, phương tiện vi phạm sở hữu trí tuệ hiện nay có thể lên tới nhiều tỷ đồng.

Để thúc đẩy doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển, các cơ quan, ban, ngành cần phối hợp để tháo gỡ vướng mắc cũng như tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp
Để thúc đẩy doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển, các cơ quan, ban, ngành cần phối hợp để tháo gỡ vướng mắc cũng như tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp.

Trước thực trạng nêu trên, để thúc đẩy doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển, ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề xuất, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp khoa học công nghệ hưởng đầy đủ các ưu đãi.

“Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để cùng phối hợp có văn bản trình Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu cơ chế đặc thù để mở rộng phạm vi áp dụng thu nhập chịu thuế từ bản quyền quy định tại Điều 16 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2014, theo đó đưa thu nhập của tác giả quyền sở hữu trí tuệ được áp dụng biểu thuế toàn phần với mức thuế suất là 5%”, ông Thảo cho biết.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng đề nghị, đẩy nhanh tiến trình thẩm định đơn đăng ký sở hữu trí tuệ. Tăng mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; các đoàn thanh tra, cán bộ tòa án khi tiến hành thanh tra, xác minh các vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp không nên thông báo trước cho đơn vị vi phạm.

Đồng quan điểm, không ít ý kiến đề xuất, cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu, theo đó thực thi các quy định về ưu đãi hoạt động đổi mới sáng tạo; tăng cường năng lực tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét trình Chính phủ chủ trương thiết lập cơ chế, chính sách đặc thù, theo hướng xem hoạt động đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ là hoạt động đầu tư rủi ro, mạo hiểm cần được bảo trợ chính sách của Nhà nước.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ xác định, doanh nghiệp khoa học công nghệ được hình thành từ hai nguồn chính nhiệm vụ nghiên cứu và từ các doanh nghiệp được tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, đến nay không có doanh nghiệp khoa học công nghệ nào được cấp giấy chứng nhận hay đăng ký chuyển giao công nghệ.

“Chính sách đang khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam khác. Do đó, doanh nghiệp khoa học công nghệ nên tham gia vào chuyển giao công nghệ, vì sản phẩm chuyển giao nhận được nhiều ưu đãi hơn sản phẩm tự nghiên cứu và tự sử dụng chứ không chuyển giao”, Thứ trưởng Hoàng Minh chia sẻ.

Bài: YẾN NHUNG - Ảnh: QUỐC TUẤN