Kinh tế địa phương

Hải Phòng: Tháo gỡ vướng mắc đường ven biển

LAN VŨ 11/08/2024 7:28

Đường ven biển đoạn qua TP Hải Phòng và 9km qua tỉnh Thái Bình được xác định là công trình trọng điểm dự kiến khánh thành trong năm 2023 của TP Hải Phòng nhưng đang phải “đắp chiếu”.

Được biết, ban đầu dự án dự kiến hoàn thành năm 2019, sau đó được lùi thời gian hoàn thành nhiều lần nữa nhưng đều bị chậm tiến độ. Tại phụ lục hợp đồng BOT giữa UBND TP Hải Phòng và liên danh nhà đầu tư ký tháng 3/2022, thời gian thực hiện hợp đồng là 25 năm 6 tháng, trong đó, thời gian hoàn thành thi công xây dựng được gia hạn đến hết tháng 6/2023.

Phương án tháo gỡ

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng – Thái Bình theo hình thức đối tác công tư, được UBND TP Hải Phòng phê duyệt tại Quyết định số 2609 ngày 28/10/2016, phê duyệt điều chỉnh tại các Quyết định số 2322 ngày 7/7/2017 và 550 ngày 14/3/2028, theo hình thức BOT. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.758 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước là 720 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bàn trên địa bàn TP Hải Phòng. Phần vốn đầu tư xây dựng hơn 3.038,6 tỷ đồng do nhà đầu tư đảm nhiệm, gồm vốn chủ sở hữu 900 tỷ đồng và vốn vay hơn 2.138,6 tỷ đồng.

duong-bo-ven-bien-hai-phong-thai-binh_dji_0959-1-scaled.jpg
Dự án được lùi thời gian hoàn thành nhiều lần nhưng đều bị chậm tiến độ

Cùng với đường bộ ven biển đầu tư theo hình thức BOT, từ năm 2020, UBND TP. Hải Phòng đã phê duyệt dự án đầu tư mở rộng tuyến đường bộ ven biển trên địa bàn Hải Phòng (từ tỉnh lộ 353 đến cầu Thái Bình) với tổng mức đầu tư hơn 946 tỷ đồng từ vốn ngân sách do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư.

Dự án tuyến đường mở rộng không phải giải phóng mặt bằng vì dự án BOT đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Sau khi cả hai dự án hoàn thành, gần 20km đường ven biển trên địa phận TPHải Phòng sẽ là tuyến đường đôi mặt cắt hơn 24m. Theo yêu cầu kỹ thuật, cả hai dự án phải thi công đồng thời mới đảm bảo chất lượng. Thế nhưng do dự án BOT bị chậm tiến độ đang phải “đắp chiếu” chờ giải cứu nên dự án mở rộng đường bộ ven biển cũng đình trệ theo.

Tại kỳ họp thứ 18 HĐND TP Hải Phòng khoá 16, ông Nguyễn Ngọc Tú – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết, lãnh đạo thành uỷ, UBND thành phố đã 2 lần làm việc với Bộ Tài chính nhằm tìm kiếm biện pháp tháo gỡ vướng mắc. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các ngành đề xuất, tham mưu UBND thành phố theo hướng chấm dứt hợp đồng BOT, kêu gọi nhà đầu tư khác có năng lực thực hiện hoặc sử dụng ngân sách để đầu tư.

Theo các hướng này, dự kiến đến quý 2/2026 có thể triển khai thi công và quý 3/2027 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án tuyến đường bộ ven biển và cả dự án mở rộng - ông Tú cho biết thêm.

Qua trả lời của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng Phạm Văn Lập đề nghị Sở tham mưu với thành phố đẩy nhanh tiến độ dự án so với thời gian dự kiến quý 3/2027.

Nhiều khó khăn vướng mắc

Ban đầu nhà đầu tư thực hiện dự án là liên danh bốn doanh nghiệp gồm Tổng công ty Xây dựng số 1 – CTCP, Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Bùi Vũ, Tổng công ty IDICO - CTCP và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông 9. Để thực hiện dự án BOT này, Liên danh đã thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư đường ven biển Hải Phòng.

duong-bo-ven-bien-hai-phong-thai-binh_dji_0885-pano-1-2-scaled.jpg
Doanh nghiệp dự án cũng có kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc cấp bách của dự án

Dự án được tổ chức động thổ từ tháng 5/2017 nhưng sau khi triển khai đã gặp khó khăn về vốn. Đến năm 2020, hai thành viên xin rút khỏi dự án. Công ty Cổ phần Đầu tư đường ven biển Hải Phòng được cơ cấu lại với hai thành viên là Tổng công ty Xây dựng số 1 và Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Bùi Vũ.

Cuối năm 2021, phần vốn chủ sở hữu 900 tỷ đồng đã được hai thành viên liên danh nhà đầu tư còn lại huy động đủ, Tổng công ty Xây dựng số 1 huy động 856 tỉ đồng, Công ty Bùi Vũ huy động 44 tỷ đồng góp vào doanh nghiệp dự án. Về vốn vay, doanh nghiệp dự án đã ký các hợp đồng vay vốn có tổng giá trị là 2.200 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong ký cho vay 1.000 tỷ đồng, Tổng Công ty xây dựng số 1 – CTCP ký cho vay 1.200 tỷ đồng.

Theo báo cáo của UBND TP Hải Phòng, quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khan hiếm vật liệu cát đắp nền, bão giá… song chủ đầu tư, nhà đầu đã nỗ lực khắc phục khó khăn để tổ chức thi công. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất cũng là vướng mắc chính ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án là chênh lệch lãi suất vốn vay.

Cụ thể, lãi suất vốn vay trong thời gian xây dựng xác định theo quy định tại hợp đồng BOT từ tháng 3/2023 là 5,625%. Nhưng, theo báo cáo của nhà đầu tư, lãi suất vốn vay thực tế nhà đầu tư huy động cao hơn lãi suất vay theo hợp đồng BOT từ 4,475% - 5,549% (mức lãi suất vốn vay doanh nghiệp phải chi trả 7/2023 là 12,9%/năm) nên phát sinh khoản kinh phí gần 1.900 tỷ đồng không được tính vào tổng mức đầu tư dự án. Số tiền này vượt quá khả năng cân đối của nhà đầu tư. Do đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Đường bộ ven biển Hải Phòng đã có văn bản đề nghị tạm dừng thực hiện hợp đồng BOT. Và doanh nghiệp dự án cũng có kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc cấp bách của dự án.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, thời điểm nhà đầu tư xin dừng, dự án đã hoàn thành được khoảng 70% khối lượng công việc, tổng giá trị giải ngân đạt 2.192 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 900 tỷ đồng (100%), vốn vay là 1.292 tỷ đồng (58,72%).

Do tuyến đường chưa hoàn thiện, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra. Không chỉ nhà đầu tư dự án mà người dân Hải Phòng cũng đã nhiều lần kiến nghị thành phố sớm tháo gỡ khó khăn dự án, tiếp tục thi công và đưa vào sử dụng.

LAN VŨ