Làm gì để ứng phó với hàng giá rẻ Trung Quốc?
Trong bối cảnh làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn ngập thị trường, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam cũng đang loay hoay ứng phó.
“Cú sốc Trung Quốc” thứ hai?
Vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, nền kinh tế Mỹ và toàn cầu đã trải qua một “cú sốc Trung Quốc”, cú sốc này được tạo ra bởi sự bùng nổ nhập khẩu hàng hóa giá rẻ do nước này sản xuất giúp giữ lạm phát ở mức thấp, nhưng phải trả giá bằng việc làm trong các ngành sản xuất địa phương nước sở tại.
Giờ đây, phần tiếp theo của câu chuyện “cú sốc Trung Quốc” có thể đang được thực hiện khi Bắc Kinh tăng gấp đôi xuất khẩu để phục hồi tăng trưởng của đất nước. Các nhà máy của nước này đang sản xuất ra nhiều ô tô, máy móc và thiết bị điện tử tiêu dùng hơn mức nền kinh tế trong nước có thể hấp thụ.
Được hỗ trợ bởi các khoản vay giá rẻ do nhà nước chỉ đạo, hàng hóa của các công ty Trung Quốc đang tràn ngập thị trường nước ngoài với những sản phẩm mà họ không thể bán ở trong nước. Một số nhà kinh tế nhận thấy “cú sốc” này của Trung Quốc đã đẩy lạm phát xuống thấp hơn lần đầu. Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang chậm lại, trong khi ở thời kỳ trước nó đang bùng nổ.
Kết quả là, tác động giảm phát của hàng hóa giá rẻ do Trung Quốc sản xuất sẽ không được bù đắp bởi nhu cầu của Trung Quốc đối với quặng sắt, than đá và các hàng hóa khác. Gây ra những thâm hụt thương mại trầm trọng giữa các nước và Trung Quốc.
Trung Quốc hiện tại là một nền kinh tế lớn hơn nhiều so với trước đây, chiếm nhiều sản lượng sản xuất của thế giới hơn. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), nước này chiếm 31% sản lượng sản xuất toàn cầu vào năm 2022 và 14% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu. Trong khi đó, ở hai thập kỷ trước, tỷ trọng sản xuất của Trung Quốc chỉ chưa đến 10% và xuất khẩu dưới 5%.
Điều này đang khiến thị trường các nước, đặc biệt là Đông Nam Á đứng trước nguy cơ tràn ngập hàng giảm giá của Trung Quốc. Theo tính toán của các nhà kinh tế Goldman Sachs, Đông Nam Á và các thị trường mới nổi khác ở châu Á đã tiếp nhận khoảng một phần ba lượng xuất khẩu của Trung Quốc, chiếm 1/10 tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu vào năm ngoái.
Trong bối cảnh đó, các quốc gia Đông Nam Á đã và đang có động thái nâng cao rào cản đối với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, đặc biệt là những mặt hàng nhập khẩu thông qua các nền tảng thương mại điện tử.
Phản ứng của Đông Nam Á?
Theo tờ Nikkei Asia, Indonesia gần đây đã có phản ứng rõ rệt. Khoảng 49.000 công nhân trong ngành dệt may và giày dép nước này đã bị sa thải trong năm nay vì các nhà máy ở các tỉnh Banten, Tây Java và Trung Java đóng cửa. Để đáp lại lời kêu gọi của các nhà sản xuất hàng dệt may, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan vào tháng 6 cho biết, chính phủ sẽ xem xét áp thuế tới 200% với vải nhập khẩu. Bên cạnh đó, các loại thuế mới cũng đang được xem xét để giải quyết tình trạng nhập khẩu gốm sứ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm và đồ điện tử tăng mạnh.
Trong khi đó, Malaysia đã áp dụng thuế bán hàng 10% đối với hàng hóa nhập khẩu được mua trực tuyến với giá dưới 500 ringgit (108 USD) vào tháng 1 năm nay. Những mặt hàng như vậy trước đây được miễn thuế bán hàng, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Còn tại Thái Lan, nước này cũng đã mở rộng thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với các giao dịch mua hàng có giá trị dưới 1.500 baht (42 USD) vào tháng 8.
Mới đây nhất, Ủy ban Thường trực về Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng của Thái Lan (JSCCIB) đã cho rằng, dòng sản phẩm công nghiệp Trung Quốc tràn vào Đông Nam Á đang giáng một đòn mạnh vào hoạt động thương mại của Thái Lan, làm giảm thị phần của nước này trong khu vực và dẫn đến thâm hụt thương mại với Trung Quốc lên tới gần 20 tỷ USD. Thêm vào đó, sự gia nhập của nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc Temu vào Thái Lan dự kiến sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn, khiến Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI), một thành viên chủ chốt của JSCCIB, kêu gọi chính phủ áp dụng thêm thuế đối với một số sản phẩm nhập khẩu.
Việt Nam sẽ ứng phó ra sao?
GS. Lê Văn Cường, Giáo sư danh dự tại Trường Kinh tế Paris (PSE), Đại học Paris 1 Pantheon-Sorbonne, Giám đốc nghiên cứu danh dự tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS) khi trao đổi với DĐDN đã cho rằng, đây thực sự là một vấn đề nan giải. Ngay cả các nước như Mỹ và Châu Âu cũng đang phải chứng kiến điều tương tự khi xe ô tô của Trung Quốc, đặc biệt là xe điện, tràn ngập thị trường.
Trên thực tế, để ứng phó với làn sóng hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường, thông thường, các chính sách áp dụng của các quốc gia sẽ là áp dụng thuế quan và hạn ngạch mới. Áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Hỗ trợ thúc đầy các ngành công nghiệp địa phương. Siết chặt tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, cải thiện cơ sở hạ tầng và hậu cần bằng cách hiện đại hóa chuỗi cung ứng. Khuyến khích doanh nghiệp nội địa đổi mới và xây dựng thương hiệu và đầu tư mạnh thêm cho R&D.
Tuy nhiên, theo GS. Lê Văn Cường, Việt Nam có lẽ phải đi theo một chiến lược dài hơi hơn nữa, đó là nâng cao chất lượng nhân lực để cải tiến kỹ thuật và tạo ra năng suất lao động tốt hơn. Nói cách khác, cần tăng tỷ lệ hàm lượng chất xám trong các sản phẩm của quốc gia.
Bên cạnh đó, cần phải nhìn vào từng mặt hàng, nếu muốn đề ra một chiến lược hiệu quả. Theo GS. Cường, ngoài việc giảm giá thành của sản phẩm để cạnh tranh, Việt Nam cần phải có hướng đi lên trong chuỗi giá trị đó; nếu không, sẽ mãi chỉ là một mắt xích nhỏ thâm dụng lao động trong chuỗi giá trị.
Ngoài ra, điều quan trọng là Việt Nam phải yêu cầu rõ ràng về việc các công ty nước ngoài phải đào tạo con người; đồng thời yêu cầu họ phải chuyển giao công nghệ. Đây là câu chuyện hết sức bình thường ở các nước khi chuyển giao công nghệ luôn là một phần thỏa thuận.