Doanh nghiệp

“Xanh” hóa là chặng đường dài của doanh nghiệp

QUÂN BẢO 11/08/2024 13:08

Đầu tư vào công nghệ xanh và các biện pháp giảm phát thải đòi hỏi có sự đầu tư đồng bộ và nguồn vốn lớn. Vì vậy, không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà cần có lộ trình và kế hoạch thực hiện đồng bộ trong dài hạn.

Chia sẻ tại hội thảo “Hướng tới Net-zero: Chiến lược và giải pháp giảm phát thải khí nhà kinh trong ngành thực phẩm” ngày 8/8, ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành sản xuất kiêm Trưởng dự án Net Zero Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho biết Vinamilk đã triển khai chiến lược phát triển bền vững từ những năm 2010-2012. Đến năm 2022, Vinamilk cam kết sẽ đạt được Net-zero vào năm 2050.

img_1367.jpg
Ông Lê Hoàng Minh: "Lượng phát thải đã được tiết kiệm ở Vinamilk tương đương với 2 chuyến xe điện khứ hồi từ Trái đất lên tới Mặt trăng"

Từ tầm nhìn đó, Vinamilk đã xây dựng kế hoạch hành động và đặt ra 3 mốc.

Mục tiêu thứ nhất là đến 2027 sẽ giảm được 15% lượng khí thải nhà kính so với năm cơ sở là năm 2022. Thứ hai là đến 2035 sẽ giảm được 55%, và mốc cuối cùng là 2050 đạt Net-zero.

Ông Minh cho biết, để đạt được mục tiêu đấy, công ty đã xây dựng 8 định hướng chiến lược. Các định hướng chiến lược này chủ yếu tập trung vào sử dụng nguyên liệu phát triển bền vững, sử dụng năng lượng sạch hơn, xanh hơn, bao vì phát thải thấp, duy trì và mở rộng các bể hấp thụ cacbon, tiêu dùng bền vững, hướng tới kinh tế tuần hoàn.

Các trang trại của Vinamilk đang áp dụng 3 vòng tuần hoàn. Thứ nhất là vòng tuần hoàn về khí sinh học (Biogas). Đây là các khí thải sinh ra từ hoạt động chăn nuôi trong trang trại. Tất cả biogas đều được xử lý. Phân bò được tách nước và ủ lên men hoặc quay trở lại bón cho đồng ruộng, cánh đồng ngô của trang trại.

Nước thì được tuần hoàn tái sử dụng để tưới tiêu cho đồng ruộng. Ngoài ra hệ thống xử lý nước thải trong quá trình hoạt động cũng tạo ra khí Biogas. Và khí này được tận dụng cho sấy cỏ hoặc là sử dụng cho việc đun nước để vệ sinh máy móc thiết bị.

Ví dụ như ở trang trại Tay Ninh Green Farm, mỗi năm thu hồi được 45 tấn phân hữu cơ, sấy được 2.100 tấn cỏ khô và tiết kiệm được 2 tỷ đồng tiền điện tương đương.

Vòng tuần hoàn thứ 2 là vòng tuần hoàn tái tạo đất. Theo ông Minh, công ty không sử dụng phân hóa học mà chỉ dùng phân hữu cơ để bón cho đồng ruộng, kết hợp luân canh cây trồng cho đất nghỉ ngơi, tạo ra dưỡng chất phụ vụ đa dạng sinh học cho đất.

Vòng tuần hòa thứ 3 là vòng tuần hoàn sử dụng nước. Tất cả các trang trại đều có hệ thống xử lý nước thải, 100% nước thải đều được xử lý đạt tiêu chuẩn để có thể xả ra môi trường. Và 85% lượng nước thải đó được tuần hoàn quay lại để tưới tiêu cho đồng ruộng.

Bên cạnh đó, các công nghệ thông minh cũng giúp giảm xả khí thải rất nhiệt. Ông Minh dẫn chứng, một cái kho thông minh của Vinamilk chứa được khoảng 50.000 pallet, giúp tiết kiệm được 70% năng lượng, đồng thời tiết kiệm đến 5/6 quỹ đất so với kho bình thường.

Ông Minh so sánh, lượng phát thải đã được tiết kiệm ở Vinamilk tương đương với 2 chuyến xe điện khứ hồi từ Trái đất lên tới Mặt trăng, hoặc tương đương 30.000 sân bóng phủ đầy cây xanh.

img_1355.jpg
Ông Trương Hải Hưng: "Xanh hóa cần có lộ trình và kế hoạch thực hiện đồng bộ trong dài hạn"

Ông Trương Hải Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan), chia sẻ, để giảm phát thải khí nhà kính thì Vissan đã đặt ra một kế hoạch gồm 4 bước.

Đầu tiên là Đánh giá hiện trạng, đo lường và đánh giá mức độ phát thải khí nhà kính hiện tại của công ty thông qua các công cụ và phương pháp khoa học

Sau đó là Xác định mục tiêu, dựa trên dữ liệu thu thập được mà phân loại theo 02 phạm vi là Nguồn phát thải trực tiếp và Nguồn phát thải gián tiếp. Từ đó, đặt ra các mục tiêu giảm phát thải cụ thể, khả thi và phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của công ty.

Tiếp đến là Phát triển kế hoạch hành động, xây dựng kế hoạch chi tiết với các biện pháp cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải. Kế hoạch này bao gồm các giải pháp cho từng phạm vi cụ thể.

Và cuối cùng là Theo dõi và đánh giá, liên tục theo dõi tiến độ thực hiện và đánh giá hiệu quả của các biện pháp đã triển khai, từ đó điều chỉnh và cải thiện kế hoạch khi cần thiết.

Đồng quan điểm với ông Minh, ông Hưng cũng đề cao việc nâng cao nhận thức về phát triển bền vững. VISSAN thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức cho nhân viên về các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

Tuy quan trọng nhưng ông Hưng cũng chỉ ra vẫn còn rất nhiều khó khăn trên con đường giảm phát thải khí nhà kính. Việc áp dụng các công nghệ mới để giảm phát thải đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng và khả năng kỹ thuật cao.

Quan trọng nhất là khó khăn về tài chính, đầu tư vào công nghệ xanh và các biện pháp giảm phát thải đòi hỏi có sự đầu tư đồng bộ và nguồn vốn lớn. “Vì vậy, không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà cần có lộ trình và kế hoạch thực hiện đồng bộ trong dài hạn”, ông Hưng nhấn mạnh.

QUÂN BẢO