Năm 2024: Xuất khẩu gạo dự báo vượt 5 tỷ USD
Với giá gạo xuất khẩu duy trì đà tăng, doanh thu xuất khẩu gạo cả năm 2024 dự báo vượt mức 5 tỷ USD.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan, 7 tháng năm 2024 Việt Nam xuất khẩu 5,18 triệu tấn gạo, với kim ngạch 3,27 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 25,1% trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Bước sang năm 2024, giá xuất khẩu gạo vẫn duy trì ở mức cao. Giá xuất bán trung bình của gạo Việt trong 7 tháng qua đạt 632,2 USD/tấn, tăng 18,2% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, với việc Ấn Độ cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, trừ gạo trắng basmati đã làm cho giá gạo trên thị trường thế giới tăng lên. Do đó, những nước xuất khẩu gạo như Việt Nam, Thái Lan đều có giá trị xuất khẩu gạo gia tăng.
Như vậy, với đơn hàng xuất khẩu dồi dào, sản xuất lúa gạo ổn định, giá gạo xuất khẩu duy trì đà tăng, doanh thu xuất khẩu gạo cả năm 2024 dự báo vượt mức 5 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhưng bước tiến vượt bậc.
“Chúng tôi đã nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng sản phẩm đa dạng hóa các loại hình gạo xuất khẩu và mở rộng các thị trường tiêu thụ mới. Kết quả là Việt Nam đã khẳng định vị thế là nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới”, ông Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.
Như vậy, từ nay đến cuối năm 2024 các doanh nghiệp và chuyên gia đều kỳ vọng xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục khởi sắc. Bởi, hiện nay nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực toàn cầu vẫn đang duy trì ở mức cao, trong khi nguồn cung thắt chặt do ảnh hưởng của các bất ổn kinh tế, chính trị, và biến đổi khí hậu.
Với nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước gia tăng, đặc biệt từ các thị trường truyền thống với gạo Việt Nam như Philippines, Indonesia, Malaysia và một số nước châu Phi… sẽ giúp giá gạo xuất khẩu hồi phục và tiếp tục mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam nói riêng và cơ hội phát triển ngành hàng lúa gạo của Việt Nam nói chung.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đánh giá tiềm năng, lợi thế của Việt Nam về sản xuất lúa gạo là rất lớn và chúng ta nên biết tận dụng cơ hội để tăng xuất khẩu.
“Tuy nhiên, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết với nhau dẫn đến sản lượng gạo xuất khẩu mặc dù nhiều nhưng giá thành không cao”, ông Phạm Thái Bình nói.
Thực tế, hiện nay chỉ một số ít doanh nghiệp lớn thực hiện chuỗi liên kết từ sản xuất, thu hoạch đến bảo quản và chế biến, trong khi phần lớn vẫn là mua bán kém bền vững.
Điều này đòi hỏi cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc liên kết chuỗi giá trị, đặc biệt khi sản xuất lúa gạo hiện đang áp dụng giống chất lượng cao, quy trình canh tác tiên tiến và công nghệ thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam phải luôn sẵn sàng chuẩn bị cho mọi khả năng, tình huống.
Yếu tố quan trọng ở đây là đảm bảo, duy trì được chất lượng gạo giữa các lô hàng, đảm bảo yếu tố cạnh tranh, tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh để phá giá gạo.
“Vì, điều đó không chỉ gây ảnh hưởng đến một doanh nghiệp mà rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam”, ông Trần Thanh Hải khẳng định.