Cần thiết đưa công cụ bảo hiểm giá trở lại Nghị định kinh doanh xăng dầu
Theo các chuyên gia, việc đưa công cụ bảo hiểm giá thông qua Sở Giao dịch hàng hóa trở lại Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu là rất cần thiết, điều này không chỉ giúp minh bạch thị trường, mà còn giúp các doanh nghiệp phòng vệ trước các biến động mạnh về giá.
Theo đó, Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công Thương lấy ý kiến các bộ, ngành và các địa phương, và đã được Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo Nghị định này sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ ban hành trong quý III năm nay, Dự thảo có 4 Chương, 39 Điều, gồm: những quy định chung; Kinh doanh xăng dầu; Quản lý kinh doanh xăng dầu và Điều khoản thi hành.
Mặc dù được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực so với các chính sách trước đó, thế nhưng, góp ý vào Dự thảo Nghị định này, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đã đề xuất Bộ Công Thương cho phép các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được sử dụng công cụ, nghiệp vụ phái sinh để bảo hiểm giá, giống Nghị định 83/2014/NĐ-CP trước đây. Bởi xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên cần đưa quy định này trở lại Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu theo hướng: Cho phép tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được phép giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa để bảo hiểm giá.
Lý giải về đề xuất này, không ít ý kiến cho hay, việc đưa công cụ bảo hiểm giá thông qua Sở Giao dịch hàng hóa trở lại Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu là rất cần thiết, điều này không chỉ giúp minh bạch thị trường, mà còn giúp các doanh nghiệp phòng vệ trước các biến động mạnh về giá. Đáng nói, đây cũng là công cụ được hầu hết các công ty xăng dầu trên thế giới từ sản xuất, tiêu thụ đến tiêu dùng đều sử dụng.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, trong Nghị định mới nên tiếp tục đưa công cụ bảo hiểm về giá thông qua Sở Giao dịch hàng hóa vào giống như Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Các doanh nghiệp được phép sử dụng các nghiệp vụ phái sinh thông qua các Sở Giao dịch hàng hóa hoặc là một số những định chế tài chính khác là một yêu cầu cần thiết để đảm bảo được cho doanh nghiệp có khả năng tự phòng vệ bảo hiểm giá của mình, giảm thiểu những rủi ro do biến động thị trường mang lại.
Đây là điều hết sức cần thiết đối với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, bởi nó đã thành một thông lệ mà hầu hết tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên thị trường quốc tế đều phải sử dụng…
“Ở một số nước, đặc biệt là đối với lượng hàng tồn kho, những ngân hàng mà cung cấp tín dụng thì yêu cầu là các doanh nghiệp đấy dứt khoát phải có các nghiệp vụ phái sinh để đảm bảo được an toàn, tránh rủi ro cho hàng hóa khi giá cả bất ổn định. Đây là một công cụ thường xuyên và tất cả các doanh nghiệp kinh doanh đều phải áp dụng”, ông Bảo chia sẻ.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, khi thị trường xăng dầu có cạnh tranh thì xu hướng là luôn luôn đạt được mức giá mà người tiêu dùng được hưởng lợi, bên cạnh đó những quy định kèm theo mang tính chất quốc tế, chúng ta phải áp dụng, đó là những chính sách sử dụng nghiệp vụ về phái sinh. Phái sinh ở đây không thuần túy là việc đầu tư về tài chính mà đây là những nghiệp vụ phòng vệ giá, tức là bảo hiểm giá xăng dầu. Nhưng quy định cũng thiếu đồng bộ khi những hoạt động về phái sinh không được hoạch toán vào chi phí bảo hiểm của xăng dầu mà lại cho đây là hoạt động về đầu tư tài chính.
Hệ thống quản lý, cách hiểu về phái sinh của xăng dầu hết sức phức tạp, vì vậy để tránh tạo ra các rủi ro đối với doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần có cách hiểu đúng và sử dụng công cụ này hiệu quả để bình ổn giá xăng dầu, sau đó mới nghĩ tới công cụ hành chính.
Theo chuyên gia kinh tế - Ngô Trí Long, công cụ phái sinh vừa là công cụ đầu tư vừa là công cụ bảo hiểm, được các doanh nghiệp lớn trên thế giới sử dụng phổ biến để phòng ngừa rủi ro. Tuy vậy, hiện nay các quy định văn bản về công cụ phái sinh chúng ta chưa đầy đủ vì còn mới, đặc biệt đối với kinh doanh xăng dầu thì chưa hoàn toàn có.
Vì vậy, ông Long đề xuất, Nghị định mới cần đưa thêm công cụ này, nghĩa là cho phép doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh, phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Được biết, về cung cụ bảo hiểm giá, trước đó khoản 6 Điều 9 Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về Quyền và Nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu có quy định: “Được áp dụng các công cụ, nghiệp vụ phái sinh phù hợp với thông lệ quốc tế để giao dịch, mua bán xăng dầu”. Tuy nhiên, đến Nghị định 95/2021/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định này và tại Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, việc sử dụng công cụ bảo hiểm giá tiếp tục không được đề cập.